Dồn lực thi công cao tốc Nha Trang - Cam Lâm, đảm bảo tiến độ cán đích trước 3 tháng
Dự án cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm là 1 trong 3 dự án đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) loại hợp đồng BOT có thời gian xây dựng 2 năm, thời gian vận hành khai thác hoàn vốn khoảng 16 năm 4 tháng thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn I (2017 - 2020), với 11 dự án thành phần.
Dự án được thi công từ tháng 9/2021, quy mô 4 làn xe trên nền đường rộng 17m; khi hoàn chỉnh có quy mô 6 làn xe rộng hơn 32m.
Công trường thi công nền đường gói thầu XL1 trên tuyến cao tốc.
Công trường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm nhìn từ trên cao.
Doanh nghiệp dự án "dàn trận" tăng tốc thi công các gói thầu cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Đơn vị thi công đổ đất đắp, nâng nền mặt đường theo đúng thiết kế kỹ thuật.
Đơn vị thi công huy động máy móc lu lèn mặt đường quy mô 4 làn xe trên nền đường rộng 17m.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm đi qua huyện Diên Khánh (8 km), huyện Cam Lâm (30,5 km) và TP Cam Ranh (10,6 km) thuộc tỉnh Khánh Hòa, có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng và dự kiến quý III/2023 sẽ hoàn thành.
Dự án do Ban Quản lý dự án Đường Hồ Chí Minh (Bộ GTVT) quản lý dự án, Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải) là doanh nghiệp đầu tư dự án. Dự án gồm 3 gói thầu XL1 (đoạn Km5+783 đến Km29+800) chủ yếu thi công nền đường; gói thầu XL2 (Km29+800 đến Km54+00) gồm các hạng mục thi công nền đường, cầu, cống thoát nước, hầm chui dân sinh và gói thầu XL3 thi công hầm Dốc Sạn xuyên núi.
Theo ông Trần Văn Hợp, giám sát thi công dự án tại hiện trường, vượt qua nhiều khó khăn do dịch COVID-19 trong năm 2021 và điều kiện thời tiết bất lợi, khắc phục mọi khó khăn phát sinh về nguồn vật liệu đất đắp, đến thời điểm này, dự án đã đạt tiến độ tổng thể gần 40%, cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm đã và đang được nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án thi công khẩn trương, vượt tiến độ 1 tháng so với mục tiêu đề ra.
Xe tải của các đơn vị thi công hoạt động hết công suất, khai thác, vận chuyển đá vào công trường.
Doanh nghiệp dự án (Tập đoàn Sơn Hải) huy động tối đa máy móc, thiết bị... dồn lực san nền mặt đường, đảm bảo tiến độ.
Đơn vị thi công lu lèn, gia tải mặt đường trước khi thảm bê tông nhựa.
Hai cửa Bắc hầm Dốc Sạn thuộc gói thầu XL3 trên tuyến cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Đơn vị thi công khoan hầm Dốc Sạn xuyên núi dài 1.400m, dự kiến đến tháng 5/2022 thông hầm.
Đến đầu tháng 4/2022, nền đường trên toàn tuyến cao tốc đã thành hình, thi công được 35/49 km, hầm xuyên núi Dốc Sạn trên tuyến cao tốc cũng thi công được 500/1.400m chiều dài. Dự án hiện duy trì hàng ngày khoảng 1.500 cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động, trài dài trên toàn tuyến các gói thầu xây lắp, để dồn lực tăng tốc thi công xuyên suốt 24/24 giờ, đảm bảo đến mùa khô năm 2022 hoàn thành thi công phần đất đắp nền đường, để kịp tiến độ thảm cấp phối đá dăm trước mùa mưa.
Trong năm 2022, doanh nghiệp dự án và các đơn vị thi công phấn đấu thảm được 30km, đến tháng 4 - 5/2023 cơ bản hoàn thành dự án, đảm bảo cán đích trước 3 tháng so với kế hoạch Chính phủ, Bộ GTVT giao.
Qua tìm hiểu, cao tốc thành phần Nha Trang - Cam Lâm có diện tích sử dụng đất hơn 420 ha, với 2.458 hộ, đơn vị bị ảnh hưởng. Trong đó, 194 hộ dân có nhu cầu bố trí tái định cư, tổng kinh phí giải phóng mặt bằng hơn 1.000 tỷ đồng. Đến đầu tháng 4/2022, dự án đã được bàn giao mặt bằng 48,1/49,1 km, đạt tỷ lệ 98,5%. Phần mặt bằng chưa được bàn giao còn lại 19/2.361 hộ dân, 3 mỏ đá và một số công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan đến đường điện.
Đơn vị thi công tập kết vật liệu, đan dầm sắt tại chỗ trước khi đưa vào công trình.
Đơn vị thi công đan dầm sắt bản mặt cầu cạn tại gói thầu XL2 trên tuyến cao tốc.
Thi công hệ thống hầm chui dân sinh, cống thoát nước... tại gói thầu XL2 trên tuyến cao tốc.
Toàn cảnh thi công gói thầu XL1 nhìn từ trên cao.
Thành hình cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.
Theo ông Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (Tập đoàn Sơn Hải), một trong những khó khăn của dự án hiện nay là thiếu nguồn vật liệu đất đắp, vấn đề này đang được đơn vị phối hợp chặt chẽ với địa phương tháo gỡ. Tỉnh Khánh Hòa cũng đang gấp rút hoàn thiện việc cấp phép khai thác cho 13 mỏ, với tổng trữ lượng khoảng 5,34 triệu m3 và nâng công suất khai thác 4 mỏ, với công suất khai thác nâng thêm là 0,6 triệu m3/năm, đảm bảo chỉ tiêu cho dự án.
Tại buổi kiểm tra cao tốc Nha Trang - Cam Lâm mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã hoanh nghênh tinh thần của doanh nghiệp, nhà đầu tư dự án đã tích cực đẩy nhanh tiến độ thi công trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp; đồng thời, yêu cầu tỉnh Khánh Hòa hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về nguồn vật liệu, sớm bàn giao mặt bằng còn lại cho các đơn vị thi công, để đẩy nhanh tiến độ trước thời hạn so với hợp đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đồng ý về mặt nguyên tắc 4 nội dung kiến nghị của nhà đầu tư: Cho phép nâng cao dải phân cách giữa; đưa công nghệ mới vào thi công bê tông nhựa, thảm một lần 2 lớp thay vì thảm từng lớp như trước kia; có cơ chế nới lỏng các quy định về việc lựa chọn nhà thầu, cho phép đi thuê một phần máy móc thay vì hoàn toàn của nhà thầu; kéo dài thời gian thu phí, nhưng không tăng tổng mức đầu tư…