Dọc đường phát triển: Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đón 'gió mới'
Nhộn nhịp những ngày cuối năm
Thời điểm này, dòng phương tiện đổ về Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đông hơn so với ngày thường. Đa phần là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu sản xuất kinh doanh, các mặt hàng tiêu dùng phục vụ thị trường tết và xuất khẩu các mặt hàng vật liệu xây dựng, nông sản, hoa quả…
Theo Thượng úy Võ Anh Tuấn, Trạm trưởng Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Bộ đội biên phòng Hà Tĩnh, tất cả người, phương tiện, hàng hóa qua cửa khẩu đều được kiểm tra nghiêm ngặt nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi, thông thoáng khi thông quan. Bộ đội biên phòng đã phối hợp với các đơn vị duy trì nghiêm việc đổi lái xe tại khu vực cửa khẩu. Tất cả các công đoạn đều đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19. Sau khi đổi tài xế, buồng lái các phương tiện cũng được phun tiêu độc khử trùng; các yêu cầu về trang phục bảo hộ, giãn cách, hạn chế tiếp xúc được thực hiện chặt chẽ.
Năm 2021, tình hình thu thuế xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo sôi động nhất từ khi thành lập đến nay. Tính đến ngày 17/12/2021, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã mở 8.255 tờ khai (tăng 28,4% so với cùng kỳ năm 2020) với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 305,74 triệu USD (tăng 23,24% so với cùng kỳ năm 2020); qua đó, đơn vị thu thuế xuất nhập khẩu đạt 413,99 tỷ đồng (tăng 235,47% so với cùng kỳ năm 2020).
Nỗ lực hồi sinh
Trong giai đoạn mới thành lập (2007-2010), Khu kinh tế (KKT) Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đã từng thu hút hàng chục dự án, hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn hộ cá thể tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo thành một KKT năng động, sầm uất, đưa Cầu Treo thành điểm sáng về phát triển kinh tế của tỉnh Hà Tĩnh. Với lợi thế được ưu đãi về thuế, kéo giá thành tất cả các mặt hàng tại đây đều rẻ hơn so với lấy ở các vùng cửa khẩu khác, các bạn hàng khắp nơi trên cả nước đổ xô lên Cửa khẩu Cầu Treo lấy hàng. Tuy nhiên, thời kỳ “vàng son” không kéo dài được bao lâu. Giai đoạn từ năm 2012 – 2014, giá thu mua gỗ trắc của Trung Quốc rớt không phanh rồi chững lại. Sau đó, việc thay đổi chính sách liên tục và gần như không còn ưu đãi gì cho KKT Cầu Treo khiến cho hàng loạt doanh nghiệp giải thể hoặc tạm ngừng đầu tư, kinh doanh. KKT Cầu Treo lâm cảnh đìu hiu trong suốt gần một thập kỷ.
Thời gian gần đây, một số dự án được đầu tư và đi vào hoạt động bước đầu làm “ấm” lên môi trường đầu tư cho các khu công nghiệp tại KKT cửa khẩu. Điển hình, dự án Nhà máy may Five Star ở khu công nghiệp Đại Kim có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng đã tái khởi động và đi vào sản xuất. Ngoài ra, dự án Nhà máy chế biến gỗ cũng đang làm thủ tục để vào đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh. Đây là cửa ngõ ngắn nhất để các nước Lào, Thái Lan xuất nhập hàng hóa qua cảng Vũng Áng. Cửa khẩu được đầu tư để phát triển, đi lại thuận lợi thì kéo theo Vũng Áng và các khu du lịch biển, buôn bán thương mại của tỉnh phát triển.
Đầu tháng 11/2021, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản gửi các địa phương, ban, ngành liên quan yêu cầu thực hiện các giải pháp đẩy mạnh xuất nhập khẩu qua cửa khẩu này. Theo đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu Cục Hải quan tỉnh nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư; kịp thời có chính sách hỗ trợ xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đồng thời, yêu cầu Ban Quản lý KKT tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng gắn với thu hút doanh nghiệp Lào, Thái Lan thông quan qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; đảm bảo cơ chế thông thoáng trong vận chuyển hàng hóa qua Cửa khẩu; cắt giảm thời gian lưu kho, chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.