Dọc đường phát triển: Chu Lai, động lực vùng Đông tỉnh Quảng Nam
Chu Lai có gì?
Theo Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai, kể từ khi thành lập đến nay, khu kinh tế mở Chu Lai đã có 170 dự án với tổng vốn đầu tư 112 nghìn tỷ đồng, tương đương với 5,2 tỷ USD. Khu vực cũng có 46 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 688 triệu USD, 124 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 93 nghìn tỷ đồng. Trong đó, 127 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn thực hiện 43,3 nghìn tỷ đồng.
Để tạo đà phát triển khu kinh tế mở Chu Lai, Quảng Nam đã đẩy mạnh việc đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng đường bộ, đường biển, hàng không... Cụ thể, hiện cảng biển Quảng Nam (cảng biển Chu Lai) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cảng biển loại 1 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021. Một số dự án động lực quy mô lớn khác gồm: đường ven biển 129 kết nối Đà Nẵng – Quảng Ngãi, dự án trung tâm khí điện và năng lượng sau khí, sân bay Chu Lai được xã hội hóa đầu tư.
Các dự án lớn của Chu Lai hiện nay có khá nhiều. Tiêu biểu nhất là khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai Trường Hải với 31 dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, sản xuất linh phụ tùng ô tô và ngành cơ khí của Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng với công suất sản xuất các loại xe hơn 215.000 xe/năm đóng góp 50% - 60% thu ngân sách toàn tỉnh. Hay như khu công nghiệp Tam Thăng, dự án này thu hút tổng cộng 24 dự án với các nhà đầu tư chiến lược như: Công ty Hyosung, Công ty Panko, Công ty Ducksan, Công ty Moon Chang (Hàn Quốc), Công ty Aman (Đức). Tổng vốn đăng ký trên 552 triệu USD, trong đó 18 dự án đã đưa vào hoạt động thu hút hơn 10.000 lao động và 6 dự án đang được triển khai xây dựng.
Định hướng tương lai
Nói về định hướng phát triển của khu kinh tế mở Chu Lai, ông Lê Vũ Thương, Trưởng Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai cho biết, đơn vị này sẽ sắp xếp lại các nhóm dự án trọng điểm, đề xuất các nhóm dự án mới, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế mở Chu Lai phù hợp với yêu cầu phát triển giai đoạn mới. Trong đó, với mỗi nhóm dự án trọng điểm, địa phương sẽ xác định một dự án động lực gắn với các khu chức năng để từng bước hình thành các cực phát triển các nhóm ngành: công nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ, logistics và đô thị.
Bên cạnh đó, Ban quản lý sẽ tiếp tục xây dựng chính sách, thể chế cho các khu phi thuế quan và dịch vụ logistics, xây dựng chính sách hỗ trợ cho khu công nghiệp - công nghệ cao, gắn với vai trò phát triển từng khu để tạo động lực mới trong phát triển; phát triển đồng bộ, bền vững, hướng đến tiêu chí phát triển xanh, thân thiện môi trường. “Ban Quản lý đang tiếp tục hoàn chỉnh quy hoạch hệ thống cảng Chu Lai thành cảng loại I để cập nhật vào Quy hoạch hệ thống cảng quốc gia làm cơ sở pháp lý kêu gọi các dự án động lực đầu tư vào các khu chức năng”, ông nói và cho rằng khu kinh tế mở Chu Lai cần được đa dạng hóa nguồn lực để đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông trục chính, nạo vét tuyến luồng mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn và hạ tầng cảng để phát triển mạnh dịch vụ giao nhận vận hình thành trung tâm logistics hàng hải, khu cảng thương mại, cảng du lịch.
Hạt nhân vùng Đông
Hiện nay, khu kinh tế mở Chu Lai có 8 khu công nghiệp được cấp phép đầu tư, 6 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động. Với những thành tựu đạt được trong thời gian qua, khu kinh tế mở Chu Lai được xem là một trong những hạt nhân phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung – Tây Nguyên. Vì vậy, nơi đây đang được chú trọng việc phát triển đô thị, trung tâm công nghiệp ô tô - công nghiệp phụ trợ ngành ô tô, hàng không. Bên cạnh đó, khu vực này cùng được tạo đà phát triển để trở thành trung tâm cơ khí – điện và sản phẩm hóa dầu, nông nghiệp công nghệ cao… Đồng thời, khu kinh tế mở Chu Lai cũng sẽ là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, là cửa ngõ kết nối ra Biển Đông của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan nên là khu vực có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh - quốc phòng.
Chính vì vậy, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, đánh giá khu kinh tế mở Chu Lai là một phần quan trọng của tỉnh Quảng Nam nói chung và là một bộ phận chủ yếu của vùng Đông nói riêng. Theo ông, vùng Đông Quảng Nam có vai trò rất lớn trong đột phá phát triển kinh tế của địa phương và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Do đó, điều đầu tiên mà tỉnh tập trung làm trong 2 năm qua là rà soát, đánh giá lại các dự án đang triển khai tại khu vực này để xem xét lại sự phù hợp trong tình hình mới. Song song với đó, tỉnh sẽ lập quy hoạch phát triển vùng Đông đảm bảo hiệu quả kinh tế cao hơn, gắn với bảo vệ môi trường và giữ gìn văn hoá, ổn định xã hội tại khu vực này. “Quan điểm của tỉnh Quảng Nam là tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án quy mô lớn trên các lĩnh vực công nghiệp, đô thị, du lịch, dịch vụ và nông nghiệp, không tư duy nhiệm kỳ và chia nhỏ các dự án”. ông Lê Trí Thanh nói.
Ngoài ra, để tạo động lực phát triển vùng Đông, ông Lê Trí Thanh cho biết, tỉnh sẻ đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tạo điều kiện cho các dự án tư nhân phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều quy định về quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng cường cải cách hành chính và hỗ trợ các chủ đầu tư giải phóng mặt bằng, nhằm tạo ra môi trường đầu tư minh bạch. Đối với các công trình đầu mối đặc biệt quan trọng như sân bay Chu Lai, cảng biển nước sâu, các tuyến đường quốc lộ nối vùng Đông lên vùng Tây của tỉnh này và từ tỉnh này lên Tây Nguyên, các nước Lào, Thái Lan, địa phương đang tích cực phối hợp với Chính phủ và các bộ ngành để xây dựng kế hoạch, cơ chế đầu tư trong thời gian tới.
“Những gì Quảng Nam làm trong 2 năm qua đối với vùng Đông là để làm tiền đề cho địa phương bứt phá vào năm 2022, trở thành một trong những cực tăng trưởng quan trọng của cả nước vào giai đoạn từ năm 2025 trở đi” vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Nam nhận định.