Đánh thuế bất động sản: Cần sớm bổ sung vào luật
Đánh thuế BĐS được kỳ vọng có thể minh bạch thị trường này, giảm đầu cơ, thổi giá, lãng phí tài nguyên.
Không để bị "bịt mắt" về số liệu giao dịch thực tế
Bộ Tài chính vừa gửi văn bản lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, hiệp hội về đề cương sửa đổi 9 luật thuế gồm: Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế tài nguyên, Luật Thuế bảo vệ môi trường, Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp, Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế xuất - nhập khẩu..
Theo đó, Bộ Tài chính dự kiến sẽ đánh giá mặt được, chưa được của từng luật trong quá trình thực thi cũng như tác động với đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, số lượng hàng hoá đánh thuế, số thuế, mức thuế, hoàn thuế… để đề xuất sửa đổi.
Đặc biệt, với Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành đề xuất nội dung cụ thể cần sửa đổi, bổ sung vào luật, như bổ sung đánh thuế với nhà, nghiên cứu xây dựng luật thuế tài sản hay bất động sản. Đánh giá tác động của nội dung đề xuất sửa đổi với nền kinh tế - xã hội, doanh nghiệp, người dân, ngân sách nhà nước; đánh giá tính cấp thiết của nội dung đề xuất.
TS Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật thương mại (ĐH Luật TP.HCM) cho rằng, trước mắt cần sửa luật để bổ sung sắc thuế BĐS trước. Về lâu dài nên nâng lên thành thuế tài sản. Theo ông Nam, hiện ngoài giao dịch nhà đất, còn nhiều tài sản giá trị khác cũng là kênh đầu tư, bị đầu cơ, cần đánh thuế. Với BĐS, vấn đề nổi cộm bấy lâu là quản lý giá thị trường chưa tốt, dẫn đến các hành vi thổi giá, đầu cơ, nên cần đánh thuế. Việc đánh thuế, về nguyên tắc phải phản ánh đúng cung, cầu thị trường để đánh thuế đúng với phần thu nhập có được.
Tuy vậy, hiện Nhà nước chưa quản lý tốt dẫn đến tình trạng trốn thuế, kê khai giá tính thuế khác với giá giao dịch thực tế. Với giao dịch BĐS, trước đó có 2 cách tính thuế là trên phần lợi nhuận có được (mức thuế 25%), hoặc 2% trên tổng giá trị mua bán. Tuy nhiên, tới nay hình thức thu thuế trên lợi nhuận đã tạm bỏ do cơ quan thuế rất khó xác định được phần giá đầu tư ban đầu và lợi nhuận. Dù chỉ còn hình thức đánh thuế 2% trên tổng giá mua bán, nhưng tình trạng trốn thuế vẫn xảy ra. Trong đa số giao dịch người mua bán khai giá thấp hơn giá thực tế .
Theo ông Nam, khi có Thuế BĐS sẽ thu được một phần ngân sách, cơ quan thuế cũng nắm bắt được diễn biến thị trường, tình hình giao dịch. Sau này, khi các điều kiện quản lý tốt hơn mới nâng thành Luật Thuế tài sản, mở rộng phạm vi sang các tài sản khác.
“Trước mắt hay lâu dài, dù chính sách thuế ra sao, cốt lõi vẫn nằm ở việc kiểm soát được các giao dịch với giá thực của thị trường. Nếu chưa kiểm soát được chính xác thông tin giao dịch, có thêm các sắc thuế mới cũng không hiệu quả cho quản lý thị trường”, ông Nam nói.
Vị chuyên gia này cũng bổ sung, khi có thuế BĐS, việc tính mức thuế cũng phải đảm bảo công bằng giữa cá nhân và tổ chức, khấu trừ do yếu tố lạm phát. Cùng với đó, yêu cầu tất cả giao dịch phải qua ngân hàng để giám sát; ràng buộc trách nhiệm các chủ thể khác trong giao dịch như công chứng, ngân hàng về cung cấp thông tin giao dịch cho cơ quan thuế…
Bộ Xây dựng: Cần đánh thuế với nhà thứ 2, thứ 3
Ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết, đề xuất đánh Thuế BĐS của Bộ Tài chính có từ vài năm trước nhưng chưa được Quốc hội đồng ý. Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất này và đang nghiên cứu góp ý đánh thuế nhà thứ 2, thứ 3.
Hiện nhà nước đang thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, nhưng chỉ tính với đất, chưa tính với nhà và tài sản trên đất. Trên thế giới, theo ông Dũng, đã có một số quốc gia thu thuế BĐS nhằm thêm nguồn thu và hạn chế đầu cơ, thổi giá, nên mức thuế này thường rất cao, như Hàn Quốc thu cao gấp 3 lần Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện việc đánh thuế nhà đất đang sử dụng đã có nhưng chưa tính với tài sản trên đất, chưa kể mức thu còn thấp. “Bộ Xây dựng sẽ tính toán mức thuế với đất và tài sản trên đất, trong đó có tính tới giảm tác động tới người có một nhà...”, ông Dũng nói.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định, thuế tài sản có phạm vi rộng, không chỉ bao gồm nhà, đất, còn có các tài sản có giá trị cao như siêu xe, máy bay, du thuyền… Với một số nước trên thế giới, thuế này đã có từ lâu, nhưng Việt Nam chưa có.
Do đó, việc hoàn thiện chính sách thuế đối với các tài sản có giá trị là cần thiết, phù hợp thông lệ quốc tế và tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay. Vấn đề còn lại là sẽ thu thuế với tài sản nào, mức thu ra sao, trên căn cứ nào, ai định giá tài sản để tính thuế, lộ trình áp dụng… Tất cả những thông tin đó, theo ông Ánh, hiện cơ quan nhà nước chưa công bố thông tin. “Với một chính sách lớn, có tác động sâu rộng tới hầu hết người dân, thông tin về chính sách cần đầy đủ, kịp thời, tránh gây bất ngờ cho người dân”, ông Ánh nói.
TS Vũ Đình Ánh cũng ủng hộ đề xuất đánh thuế với nhà, nhưng phải có ưu đãi thuế với người có nhà giá trị thấp, người chỉ có một nhà để gia đình ở. Theo ông Ánh, năm 1991, nước ta từng áp thuế với nhà, đất với mức thuế 0,3-0,4% giá trị. Tới năm 1992 lại bỏ thuế nhà chỉ thu thuế đất. Năm 2010 tiếp tục thay đổi, khi số thu thuế với đất phi nông nghiệp vượt hạn mức. Tới năm 2018 tiếp tục đặt vấn đề thu thuế với cả nhà và tài sản trên đất. Do đó, giờ nếu thu cả thuế nhà và đất cũng phù hợp thực tế.