Cử tri Quảng Nam đòi lại đường do VEC 'mượn' để làm cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri tỉnh Quảng Nam về kiến nghị xử lý các tồn tại liên quan đến việc thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Cụ thể, cử tri tỉnh Quảng Nam đề nghị Bộ GTVT tập trung chỉ đạo VEC rà soát, sớm giải quyết dứt điểm các tồn tại liên quan đến việc thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (đoạn qua tỉnh Quảng Nam), nhất là việc đầu tư xây dựng, hoàn trả các tuyến đường mà các đơn vị của VEC đã sử dụng làm đường công vụ chở vật liệu thi công tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nay đã bị hư hỏng nặng.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ GTVT cho biết dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Bộ GTVT quyết định đầu tư và do VEC làm chủ đầu tư. Đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam dài khoảng 91,5km.
Tại thời điểm tháng 7/2020, đoạn qua địa bàn tỉnh Quảng Nam còn lại 4 tuyến đường địa phương chưa được sửa chữa, hoàn trả (gồm 1 đường thuộc địa bàn huyện Duy Xuyên và 3 đường thuộc địa bàn huyện Quế Sơn).
Theo báo cáo của chủ đầu tư dự án, đến thời điểm hiện nay, 2 tuyến đường thuộc địa bàn huyện Quế Sơn đã được địa phương sửa chữa (thảm lại bê tông nhựa, thi công công mặt đường bê tông xi măng); còn lại 2 tuyến đường ở huyện Duy Xuyên và huyện Quế Sơn chưa được sửa chữa, hoàn trả.
Bộ GTVT cho biết nguyên nhân chậm trễ do hiện nay VEC đang hoàn tất phương án tái cơ cấu nguồn vốn đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư nên chưa tháo gỡ được vướng mắc về nguồn vốn để thanh toán các khối lượng đã hoàn thành cho nhà thầu và tiếp tục triển khai tiếp các khối lượng công việc còn lại của dự án.
Đối với việc xử lý các vấn đề ảnh hưởng do thi công công trình đến dân sinh nói chung, công tác sửa chữa, hoàn trả các đường địa phương bị hư hỏng do sử dụng làm đường công vụ thi công dự án nói riêng, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu VEC chỉ đạo các nhà thầu khẩn trương thực hiện.
Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đôn đốc, chỉ đạo VEC giải quyết dứt điểm các vướng mắc liên quan công tác sửa chữa, hoàn trả đường địa phương nêu trên ngay sau khi phương án tái cơ cấu nguồn vốn đối với các dự án do VEC làm chủ đầu tư được chấp thuận.
Bộ GTVT đề nghị đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương tiếp tục phối hợp, cung cấp cho VEC các văn bản, tài liệu liên quan đến việc chủ đầu tư dự án và các nhà thầu thi công mượn các tuyến đường này để thi công hay tiếp cận dự án làm cơ sở để VEC chỉ đạo các nhà thầu thực hiện công tác sửa chữa, hoàn trả.
Liên quan đến dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự kiến ngày 23/11, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 36 bị cáo trong vụ sai phạm xảy ra dự án này, phiên tòa dự kiến diễn ra trong vòng 1 tháng.
Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đã ban hành cáo trạng, truy tố 36 bị can về tội "Vi phạm quy định về đầu tư xây dựng công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng", do có liên quan những vi phạm xảy ra tại dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, trong đó có ông Nguyễn Mạnh Hùng và ông Lê Quang Hào, cùng giữ chức Phó tổng giám đốc VEC.
Theo cáo trạng, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 139 km, từ TP. Đà Nẵng đến TP. Quảng Ngãi. Giai đoạn 1 của dự án dài 65km, từ Đà Nẵng đến TP. Tam Kỳ, Quảng Ngãi, có 8 gói thầu xây lắp. Giai đoạn 2 là hơn 74km, gồm 5 gói thầu xây lắp.
Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đến ngày 1/8/2017, dự án đưa vào khai thác giai đoạn 1 với 65km và ngày 2/9/2018 bắt đầu khai thác nốt giai đoạn 2 với 74,2km. Mặc dù mới sử dụng nhưng đoạn 65km đã xuất hiện nhiều điểm hỏng trên mặt đường bê tông nhựa, ảnh hưởng đến khai thác.
Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, có vốn đầu tư rất lớn, hơn 34.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đúng quy định về pháp luật xây dựng, dẫn đến chất lượng công trình không đảm bảo, xảy ra nhiều hư hỏng.
Kết quả giám định tư pháp của cơ quan có thẩm quyền xác định tại nhiều gói thầu của dự án, chất lượng vật liệu nguồn, chất lượng các hạng mục không đảm bảo về tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu thiết kế dự án như: chiều dày, hàm lượng nhựa, độ thấm. Mặt khác, nhiều chỉ số khác như độ dẻo, dộ mài mòn không đạt yêu cầu, cường độ chịu tải không đảm bảo quy định…
Mặc dù vậy, lãnh đạo VEC và các bên tư vấn, giám sát vẫn đánh giá công trình đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, đồng ý nghiệm thu đưa vào khai thác.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an xác định giá trị các hạng mục thi công công trình xây dựng không đảm bảo nhưng đã được chủ đầu tư và các đơn vị liên quan thanh toán, nghiệm thu số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị thi công dự án.
Ngoài 36 bị can bị truy tố trong vụ án này, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an còn cho biết đã tách một số sai phạm tại các gói thầu khác để tiếp tục điều tra, xử lý.