Con đường kinh doanh của doanh nhân Nguyễn Văn Đệ - ông chủ 'đế chế' Hợp Lực xứ Thanh
Từ cảnh sát nhân dân tới doanh nhân tiêu biểu
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ sinh năm 1953 tại vùng biển Tĩnh Gia xứ Thanh. Trước khi trở thành đại gia có tiếng như hiện nay, ông từng là cảnh sát phòng cháy chữa cháy, cảnh sát bảo vệ, hậu cần của Công an tỉnh Thanh Hóa.
Doanh nhân Nguyễn Văn Đệ
Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, trong làn sóng đổi mới đất nước, đổi mới nền kinh tế, ông đã tìm kiếm sự nghiệp riêng. Với khát vọng làm giàu, sau khi dừng công tác, ông chuyển nghề từ năm 1992.
Thời điểm ban đầu bắt tay vào làm vận tải đường dài, do chưa có kinh nghiệm và nguồn vốn chỉ vỏn vẹn 10 triệu đồng, ông đã tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè và mọi người xung quanh. Những chuyến hàng buôn bán Nam - Bắc đều là lương thực phẩm, nông sản, vật tư nông nghiệp phục vụ bà con nông dân trong tỉnh đã đem lại sự khởi sắc cho bước đầu khởi nghiệp. Sau 3 năm, ông đã có được khoảng 60 triệu và mua một chiếc xe tải KAMAZ.
Đến năm 1996, ông thành lập đứng ra thành lập Hợp tác xã vận tải Hợp Lực. Theo chia sẻ của ông Đệ, trong quá trình khởi nghiệp, nguồn vốn của ông rất hạn chế, nhưng ông có sự giúp sức của bạn bè, người thân, của những người đồng đội vì họ tin tưởng ông. Dần dần, Hợp Lực đã phát triển được từ 25 xe đến 100 xe và có mặt ở khắp mọi nẻo đường của Tổ quốc.
Từ vận tải, Hợp Lực dần mở rộng sang các lĩnh vực khác. Năm 2003, ông Đệ bắt đầu kinh doanh khách sạn. Khi xây dựng được 4 tầng, ông đã đưa ra một quyết định táo bạo, đề nghị chuyển đổi sang bệnh viện tư nhân. Quyết định này làm nhiều người bất ngờ và cảm thấy khó tin, nhưng cũng là quyết định quan trọng cho sự phát triển của Hợp Lực. Nó đã đưa Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực tại TP. Thanh Hóa trở thành cơ sở khám chữa bệnh có số giường bệnh lớn nhất trong khối y tế tư nhân cả nước.
Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực
Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực ở Thanh Hóa hiện nay của ông Đệ là tòa nhà 17 tầng trên diện tích 10.000m2, có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực khám cho khoảng 190.000 lượt bệnh nhân, trong đó khám bảo hiểm xã hội là 70.000 lượt người, khám miễn phí cho khoảng 2.000 lượt bệnh nhân nghèo, đối tượng chính sách, điều trị nội trú 22.538 người.
Tên gọi “bầu” Đệ đến với ông trong hoàn cảnh số phận đội bóng Thanh Hóa lận đận nhiều năm. Thăng hạng vào mùa giải 2007 nhưng đội bóng Thanh Hóa phải liên tục “đổi tên” từ (bia) Halida đến Xi măng Công Thanh rồi Lam Sơn Thanh Hóa. Mùa giải 2009, câu lạc bộ Thanh Hóa rớt hạng, sau đó nhờ “mua” suất của Thể Công mới tiếp tục tồn tại ở V.League.
Không tìm đâu ra nhà tài trợ, UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị ông Nguyễn Văn Đệ tiếp quản đội bóng. Ông đã giữ chức chủ tịch trong 5 năm, từ 2011 - 2015, trước khi đội Thanh Hóa được chuyển giao cho Tập đoàn FLC. Dù gọi ông là “bầu” đệ nhưng ông không giống các ông “bầu” khác chi tiền “nuôi” đội bóng mà chọn cách vận động các doanh nghiệp hỗ trợ để đội bóng của tỉnh được phát triển.
Đến nay, Hợp tác xã Vận tải Hợp Lực không chỉ hoạt động trong tỉnh Thanh Hóa mà phát triển ra các tỉnh thành khác và trở thành tổng công ty hoạt động đa ngành, bao gồm: y tế, vận tải, giáo dục, bất động sản, công viên vĩnh hằng, nhà hàng, khai thác – chế biến khoáng sản, nông nghiệp công nghệ cao…
Trong nhiều năm qua, với đóng góp cho sự phát triển của tỉnh và sự sôi nổi trên các diễn đàn kinh tế, diễn đàn doanh nghiệp, ông Đệ đảm nhiều cương vị quan trọng như: chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Thanh Hóa; chủ tịch quỹ an ninh, trật tự phòng chống tội phạm tỉnh; ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; tổ trưởng tổ công tác đặc biệt VCCI; chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân; thành viên Hội đồng tư vấn chính sách bảo hiểm quốc gia...
Năm 2020, tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Thanh Hóa lần thứ X, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ là một trong 4 cá nhân được vinh danh tặng danh hiệu "Vì sự phát triển tỉnh Thanh Hóa".
“Ông lớn” bất động sản xứ Thanh
Thanh Hóa là nơi ông Đệ đặt nền móng và là thị trường phát triển chính của Tổng công ty Hợp Lực. Sau khi hoàn thiện dự án bệnh viện tư Hợp Lực, ông tiếp tục mở đường cho lĩnh vực xây dựng công viên nghĩa trang vĩnh hằng. Trước kia, hoạt động hỏa táng chưa phổ biến ở Việt Nam, các cơ sở hỏa táng cũng khá hạn chế. Người dân ở Thanh Hóa có nhu cầu về dịch vụ này đều phải di chuyển 5 tiếng tới Hải Phòng và mất thời gian dài chờ đợi.
Nắm rõ được điều đó, ông Đệ đã quyết định triển khai dự án Phúc Lạc Viên. Đài hóa thân hoàn vũ chính thức được đi vào hoạt động tại Thanh Hóa năm 2014. Đây là công trình hỏa táng đầu tiên và duy nhất tính đến cuối năm 2015 tại khu vực Bắc miền Trung. Đến nay, Tổng công ty Hợp Lực đã mở rộng quy mô Phúc Lạc Viên ra các tỉnh lân cận như Hà Tĩnh, Nghệ An…
Khuôn viên Phúc Lạc Viên
Với thế mạnh trước đó trong lĩnh vực y tế, năm 2017, ông Đệ tiếp tục đầu tư thêm một bệnh viện tư tại Thanh Hóa. Dự án Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hợp Lực triển khai tại xã Nguyên Bình, thị xã Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, quy mô 4ha với tổng mức đầu tư xây dựng gần 700 tỷ đồng, quy mô 500 giường bệnh đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngày 29/1/2019, Bệnh viện Quốc tế Hợp Lực được Bộ Y tế thẩm định cấp phép hoạt động khám chữa bệnh và quyết định phê duyệt hơn 6.000 danh mục chuyên môn kỹ thuật, phân tuyến chuyên môn kỹ thuật hạng III và xếp hạng tương đương với bệnh viện hạng III.
Tiếp đó, doanh nhân Nguyễn Văn Đệ tiếp tục phát triển những chương trình đột phá hơn cho bệnh viện mới này về đào tạo nguồn nhân lực có chiều sâu, cơ sở vật chất đồng bộ, hệ thống phòng mổ áp lực đảm bảo tiêu chuẩn vô khuẩn cao và các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại.
Với hai dự án bệnh viện Hợp Lực, ông Đệ đã khẳng định được vị thế trong lĩnh vực y tế, tạo đà lấn sân sang lĩnh vực xây dựng bất động sản trong vài năm trở lại đây.
Vào tháng 11/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư khu du lịch sinh thái Hải Lĩnh thuộc địa phận thị xã Nghi Sơn với diện tích 7,6ha, tổng mức đầu tư 177 tỷ đồng của Tổng công ty Hợp Lực. Dự án này khởi công giai đoạn 1 vào năm 2018 và hoàn thiện giai đoạn 2 đến năm 2022.
Đến đầu tháng 4/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt điều chỉnh diện tích dự án lên 12,68ha và tổng mức đầu tư tăng lên khoảng 260 tỷ đồng. Dự án hiện tại vẫn chưa tiến hành khởi công và được điều chỉnh thời gian hoàn thành giai đoạn 1 từ quý I/2022 đến quý I/2023, còn giai đoạn 2 sẽ được khởi công vào quý II/2023 và hoàn thành vào quý II/2025. Tính đến nay, dự án đã qua 3 lần điều chỉnh kể từ ngày UBND trnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Hồi tháng 7/2020, Tổng công ty Hợp Lực cũng được chọn làm chủ đầu tư cụm công nghiệp phía Đông Bắc, TP. Thanh Hóa với diện tích khoảng 19,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 156 tỷ đồng. Cụm công nghiệp nằm trên địa bàn phường Long Anh, TP. Thanh Hóa.
Ngành nghề hoạt động chính gồm tiểu thủ công nghiệp; ngành công nghiệp hỗ trợ gồm sản xuất linh kiện phục vụ công nghiệp lắp ráp, phụ tùng điện - điện tử, sản xuất thiết bị cơ khí, linh kiện điện thoại; ngành công nghiệp khác gồm sản xuất các sản phẩm dược, vật tư y tế... Thời gian hoàn thành dự kiến đến quý IV/2024.
Cũng trong tháng 7/2020, Liên danh Hợp Lực - Anh Phát trúng sơ tuyển dự án khu dân cư kết hợp công viên thể thao Đình Hương, TP. Thanh Hóa. Dự án này có tổng diện tích sử dụng đất hơn 20ha, vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.420 tỷ đồng.