Có nên tăng hạn mức cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam?
Phải nghiên cứu thị trường để đưa ra hạn mức hợp lý
Trong 5 năm gần đây, người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở, căn hộ chung cư ngày càng tăng cao. Điều này đã giúp cho thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng ổn định, đặc biệt là phân khúc bất động sản cao cấp.
Tuy nhiên, căn cứ vào Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 99/2015/NĐ-CP, cho phép người nước ngoài mua căn hộ với hạn mức 30% tổng số căn hộ của một dự án chung cư. Với hạn mức trên, nhiều chuyên gia trong nước đang có nhiều ý kiến trái chiều.
Trong 5 năm gần đây, người nước ngoài có nhu cầu mua nhà ở, căn hộ chung cư ngày càng tăng cao. Trong ảnh là khu đô thị xanh Ecopark
Theo Tiến sĩ kinh tế Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, hạn mức 30% là tương đối phù hợp với bối cảnh hiện nay, bởi nhiều dự án bất động sản, hạn mức 30% dành cho người nước ngoài vẫn chưa được khai thác hết.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, khi Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế thế giới, đồng thời đón nhận một lượng lớn chuyên gia nước ngoài tới sinh sống và làm việc, chắc chắn hạn mức này sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Chính vì vậy, ông Lực cũng cho rằng, Bộ Xây dựng nên thống kê tình hình thực tế từ thị trường bất động sản theo chu kỳ 5 năm/ lần, cân bằng giữa nguồn cung của các chủ đầu tư và nhu cầu của người nước ngoài cần mua nhà.
“Nếu cầu vượt cung thì nên tăng hạn mức lên 40% hoặc thậm chí là 50%. Ngược lại, nếu thị trường bình ổn, thì không nên tăng hạn mức làm gì”, ông Lực nói.
Bên cạnh đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, các tỉnh/ thành phố sớm hoàn thiện quy hoạch tổng thể nhà ở dành cho người nước ngoài. Nên quy định rõ ràng các dự án được cấp chứng nhận sử dụng nhà ở (sổ hồng) cho người nước ngoài.
“Hiện tại, bản quy hoạch này Hà Nội làm tương đối tốt, trong khi một số địa phương khác thực hiện tương đối chậm, khiến cho nhiều người nước ngoài mua nhà 10 năm rồi mà vẫn chưa được cấp sổ hồng”, ông Lực nói.
Theo các chuyên gia, cần cân nhắc tình hình thực tế để quyết định có nên tăng hạn mức mua nhà dành cho người nước ngoài hay không.
Ông Cấn Văn Lực kiến nghị, Chính phủ cùng các Bộ, ban, ngành có liên quan cần ban hành bản hướng dẫn chi tiết khi người nước ngoài chuyển nhượng nhà ở, căn hộ cho người nước ngoài khác.
Ngoài ra, ông Lực cũng đề nghị cơ quan chức năng nên xem xét thêm một số quy định mới, an toàn để người nước ngoài có thể mua một số dạng bất động sản khác như nhà liền kề hoặc các villas theo dạng condotel.
Đồng quan điểm, GS.TS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng, hạn mức 30% tổng số căn hộ được bán cho người nước ngoài trong 1 dự án bất động sản là hợp lý. Tuy nhiên, vẫn phải căn cứ vào tình hình thực tế của thị trường.
“So với nhiều quốc giá khác, hạn mức 30% tương đối gò bó. Ví dụ, các nước châu Âu hoặc Mỹ không hạn chế bao nhiêu phần trăm và họ cho phép người nước ngoài mua nhà, khi họ đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về công việc và được cư trú dài hạn. Thậm chí ở Mỹ, họ có một số khu Chinatown chẳng hạn, trong đó 100% là người nước ngoài. Tuy nhiên, Mỹ làm được điều đó do họ làm công tác an ninh rất tốt”, GS.TS Đặng Hùng Võ nói.
Trong khi đó, với vấn đề có nên cho phép người nước ngoài mua nhà ở trong khu dân cư, thay vì chỉ được phép mua căn hộ chung cư như hiện nay, GS.TS Đặng Hùng Võ cho rằng, chưa nên nới lỏng chuyện này do công tác quản lý, kiểm soát chưa thực sự tốt.
Tuy nhiên, ông Đặng Hùng Võ kiến nghị, Chính phủ và các cơ quan có liên quan nên xem xét nên bỏ quy định khi người nước ngoài mua căn hộ tại Việt Nam phải được sự đồng ý của bên an ninh, quốc phòng.
“Tôi nghĩ nên bỏ điều này đi, bởi vì, khi áp dụng quy định này sẽ dẫn tới câu chuyện dân sự chịu áp lực từ phía quân sự. Điều này không hợp lý. Vì vậy, công tác quy hoạch rất quan trọng, và cơ quan chức năng phải xem xét khu nào cho phép người nước ngoài mua, khu nào không được mua”, GS.TS Đặng Hùng Võ cho biết.
Nên tăng hạn mức từ 30% lên 50%?
Với ý kiến ngược lại, đại diện của công ty nghiên cứu bất động sản đa quốc gia - Savills Việt Nam, hạn mức 30% cho người nước ngoài đang áp dụng đồng đều cho tất cả các dự án căn hộ, biệt thự là không hợp lý. Vị này cho rằng, không phải phân khúc bất động sản nào cũng đều hút khách nước ngoài tới mua.
Hiện nay, người nước ngoài chủ yếu quan tâm đến phân khúc tầm trung và cao cấp, các dự án nhà ở xã hội, chung cư giá rẻ chủ yếu là giao dịch nội địa
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, Chính phủ và các bộ ngành liên quan nên xem xét tăng hạn mức từ 30% lên 50% để tránh lãng phí.
Bởi theo ông Đính, hiện nay, người nước ngoài chỉ mua hoặc có giao dịch với các dự án bất động sản từ tầm trung tới cao cấp. Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội, chung cư giá rẻ hầu hết là khác nội địa giao dịch.
“Hiện nay, các dự án bất động sản cao cấp được phát triển khá mạnh tại Việt Nam, tạo ra nguồn cung khá dồi dào. Tuy nhiên, so với mặt bằng thu nhập chung, rất ít người Việt Nam có đủ tài chính để mua các dự án này. Trong khi đó, người nước ngoài có nhu cầu mua lại hạn chế họ mua. Như vậy sẽ khiến lãng phí nguồn cung bất động sản”, ông Đính nói.