Chào Xuân 2022: Thị trường quỹ Việt Nam hướng tới tương lai
Các loại hình quỹ đầu tư cũng trở nên đa dạng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn của thị trường như quỹ hưu trí, quỹ mở cổ phiếu, quỹ mở trái phiếu, đặc biệt là các quỹ ETF. Hoạt động quản lý danh mục đầu tư cho khách hàng ủy thác cũng được chú trọng với khối khách hàng doanh nghiệp bảo hiểm luôn chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản quản lý tại các công ty quản lý quỹ.
Ngoài ra, sự hình thành các quỹ hưu trí tự nguyện giúp Việt Nam có thêm kênh đầu tư dài hạn, phát triển thị trường vốn. Đặc biệt, sự xuất hiện của các quỹ mở, quỹ ETF là điểm nhấn trong sự phát triển của ngành quản lý quỹ. Đây là sản phẩm nền tảng để thiết kế các mô hình quỹ liên kết TTCK với các thị trường khác như thị trường bảo hiểm, thị trường trái phiếu chính phủ.
Năm 2020 và năm 2021 là 2 năm ghi nhận sự bùng nổ của ngành quỹ, đặc biệt là nhóm quỹ ETF. Chỉ trong 2 năm, đã có 7 quỹ ETF được niêm yết mới trên sàn HOSE với tổng giá trị quản lý hiện tại đã lên gần 18 nghìn tỷ đồng, đưa tổng số quỹ niêm yết trên sàn lên 9 quỹ. Bên cạnh đó, kết quả hoạt động của các quỹ cũng là điểm đáng chú ý.
Đơn cử trong năm 2021, tất cả các quỹ ETF niêm yết trên sàn đều có mức tăng trưởng NAV vượt trội so với thị trường. Trong đó, Quỹ ETF FUEVFVND là quỹ có mức tăng trưởng cao nhất (57,87%), trong khi mức tăng trưởng của VN-Index chỉ là 33,72%.
Bà Doãn Hồ Loan - TGĐ Công ty quản lỹ quỹ AFM
Sự phát triển vượt bậc của ngành quỹ tại Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 chủ yếu đến từ (1) Sự thăng hoa của thị trường chứng khoán từ đầu năm 2020 đến nay, VN-Index đã tăng trưởng hơn 120% từ 662,50 điểm lên 1498.28 điểm (vào cuối năm 2021).
Sự tăng trưởng vượt bậc của thị trường chứng khoán đã liên tục thu hút dòng tiền tìm đến đầu tư và việc đầu tư thông qua kênh quỹ là một hướng đầu tư an toàn đối với những nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm và kiến thức.
Bên cạnh đó, sự hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam khiến nhiều cổ phiếu đầu ngành đều đã kín room ngoại nên việc các quỹ đầu tư theo chỉ số xuất hiện cũng giúp thỏa mãn nhu cầu đầu tư của dòng tiền ngoại.
(2) Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ngành quỹ được tiếp tục hoàn thiện với sự ra đời của Luật Chứng khoán 2019 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn, có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 nhằm đẩy mạnh tái cấu trúc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty quản lý quỹ, đồng thời hướng đến phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn hoạt động của các quỹ.
Với chặng đường phát triển 20 năm qua, sự bùng nổ trong giai đoạn 2020 – 2021 báo hiệu cho một giai đoạn tăng trưởng, bứt phá mạnh mẽ của ngành quỹ Việt Nam trong thời gian tới.
Điều này theo các chuyên gia đánh giá thì sự phát triển của ngành quỹ là xu hướng tất yếu của một nền kinh tế khi trở thành thị trường mới nổi.
Song hành với sự phát triển của nền kinh tế đã luôn xuất hiện dấu ấn của ngành quỹ đơn cử là các thị trường phát triển như Mỹ và EU thì ngành quản lý quỹ đã có lượng tài sản quản lý đạt gấp 2 lần GDP, hay phân lớp các thị trường mới nổi như Malaysia hay Thái Lan thì ngành quỹ cũng đã có lượng tài sản quản lý lên tới 30-40% GDP.
Với một thị trường cận biên đang khát vốn và tìm mọi cách để nâng hạng thị trường cũng như thu hút dòng tiền như Việt Nam thì động lực ngành quỹ đến từ chính nhu cầu thiết yếu của các dòng tiền mới tiến vào khi thị trường được nâng hạng do (1) Đối với dòng tiền nội: các kênh đầu tư chứng khoán gián tiếp, an toàn và chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư sẽ là lựa chọn tốt cho các nhà đầu tư mới thiếu kinh nghiệm đang ngày một gia tăng trong thị trường;
(2) Đối với dòng tiền ngoại: dòng vốn nước ngoài khi tiếp xúc với thị trường xa lạ như Việt Nam sẽ xu hướng rót vốn vào các quỹ đầu tư chuyên nghiệp nội để đảm bảo được sự an toàn và khả năng sinh lời. Có thể thấy sự phát triển của ngành quản lý quỹ là xu hướng tất yếu khi vị thế thị trường Việt được nâng lên tầm cao mới.
Hiện giờ ngành quản lý quỹ Việt Nam tính đến hết năm 2020 mới chỉ quản lý lượng tổng tài sản (AuM) đạt hơn 17 tỷ USD tương đương với 5,5% GDP năm 2020, tỷ lệ tổng tài sản quản lý trên GDP của Việt Nam khá cao so với thị trường cận biên tuy vậy nếu so với đích đến là thị trường mới nổi thì tỷ lệ này vẫn còn thấp khi so sánh với các quốc gia khác.
Trong khi đó thị trường chứng khoán Việt hiện đã mở rộng và có quy mô đạt gần 263 tỷ USD (khoảng 97% so với GDP năm 2020) và tăng 44,1% từ đầu năm 2021 đến nay. Quy mô ngành quỹ hiện chưa tương xứng với sự phát triển của thị trường chứng khoán, điều này mở ra nhiều tiềm năng về tăng trưởng ngành trong tương lai đặc biệt là các quỹ đầu tư liên quan đến chứng khoán và chỉ số đặc biệt là các quỹ ETF sẽ là xu hướng chính cho ngành. Dự báo quy mô tài sản quản lý của ngành sẽ đạt được 6-10% GDP trong năm 2030.
Với mục tiêu phát triển tương lai hướng đến tăng trưởng ngành quỹ về cả số lượng quỹ, quy mô tài sản quản lý cũng như sự đa dạng thì sẽ tồn tại một số vấn đề mà xu hướng tương lai phải tiến tới để giải quyết. Cụ thể:
Thứ nhất, các sản phẩm của quỹ đầu tư chưa có được sự quan tâm đúng mực từ công chúng đặc biệt là các sản phẩm mới như ETF. Khách hàng của các quỹ ETF chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư nước ngoài với nhiều quỹ có tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tới 90% ví dụ như: Quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND (97,92%), FUESSVFL (96,78%), Quỹ ETF DCVFMVN30 (96,66%).
Theo thống kê, chỉ có 0,2% dân số Việt Nam có tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ. Việt Nam có thể sẽ học tập các nền kinh tế khác để nâng độ nhận biết và độ phủ của ngành quỹ thông qua cải thiện mạnh lưới tư vấn và phân phối chứng chỉ quỹ.
Hiện có hai loại hình phân phối là (1) Phân phối trực tiếp, các công ty quản lý quỹ trực tiếp tư vấn và phân phối và (2) phân phối gián tiếp (bán chéo) thông qua hệ thống công ty môi giới, ngân hàng thương mại (tương tự sản phẩm bancas). Hiện 50% số lượng chứng chỉ quỹ được bán thông qua ngân hàng thương mại tại các khu vực như Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan. Phân phối theo dạng bán chéo sẽ là xu hướng phát triển mơi trong tương lai.
Thứ hai, quỹ ETF sẽ là xu hướng chính cho sự phát triển của ngành tuy vậy hiện ở Việt Nam mới chỉ có 9 quỹ ETF và các sản phẩm chỉ số chứng khoán vẫn chưa được đa dạng. Trong khi đó, các thị trường phát triển như Anh hay Mỹ thì có rất đa dạng các loại ETF với các chỉ số chứng khoán khác nhau như: chỉ số chứng khoán từng ngành, chỉ số hàng hóa, chỉ số hối đoái, … Việc đa dạng sản phẩm quỹ giúp hướng tới được nhiều đối tượng hơn cũng như cho nhà đầu tư nhiều sự lựa chọn hơn. Đây là cũng sẽ là một xu hướng chính để phát triển ngành quỹ tương lai.