Cần Thơ sẽ thay thế chủ đầu tư dự án đầu tư công không đủ năng lực
Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ vừa triển khai kế hoạch giao vốn đầu tư công năm 2022 cho 30 đơn vị, gồm 21 sở ngành và 9 quận, huyện với tổng vốn là 6.792,3 tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn.
Theo ông Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ, trọng tâm để phát triển kinh tế trong năm 2022 là công tác xây dựng cơ bản và giải ngân vốn đầu tư công của thành phố. Nếu giải ngân không đạt yêu cầu, tất cả các chỉ tiêu như tăng trưởng kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, thu thuế sẽ bị giảm theo.
Vì vậy, ngay những ngày còn lại trong năm 2021, các cơ quan chức năng cần phải hoàn tất hồ sơ chuẩn bị đầu tư của năm 2022 để bước vào đầu năm 2022. Thành phố sẽ thực hiện các bước tiếp theo như mời gọi đấu thầu, đấu giá và triển khai thực hiện các dự án.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ nhấn mạnh trong năm 2022, nếu chủ đầu tư nào triển khai thực hiện giải ngân hết vốn đầu tư công có hiệu quả, nếu thiếu vốn, thành phố sẽ tìm nguồn vốn khác để cho các chủ đầu tư tiếp tục giải ngân. Còn nếu chủ đầu tư nào sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả, giải ngân chậm tiến độ, chây ỳ trong triển khai thực hiện sẽ bị xử lý kỷ luật.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ cũng yêu cầu Tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công theo dõi thực hiện các kết luận, chỉ đạo; kiểm tra, đôn đốc định kỳ 2 tuần, hàng tháng để báo cáo ủy ban nhân dân thành phố xem xét chỉ đạo. Nếu chủ đầu tư nào không đủ năng lực, thành phố sẽ không giao làm chủ đầu tư và sẽ thay thế chủ đầu tư.
Theo ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, để thực hiện có hiệu quả xây dựng cơ bản cũng như giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố đã xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên và định kỳ công tác giải ngân vốn đầu tư công của các nhà đầu tư.
Đồng thời, tích cực phối hợp với các sở ngành giải quyết các khó khăn, vướng mắc của từng dự án, nhất là những dự án có sử dụng vốn ODA và những dự án giao thông quan trọng, các khu tái định cư.
Mặt khác, thành phố tiếp tục phối hợp thẩm định chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025; trong đó, phối hợp đẩy nhanh tiến độ, sớm trình phê duyệt chủ trương đầu tư, dự án đầu tư đối với các dự án quan trọng.
Cùng đó, phối hợp kiểm tra tiến độ thực hiện các dự án vốn ngoài ngân sách đã có quyết định chủ trương đầu tư, quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư; hỗ trợ giải quyết các vướng mắc phát sinh để dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng đúng tiến độ, hiệu quả.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 chưa đạt yêu cầu đề ra mặc dù Thành ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ đã liên tục chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát từng chủ đầu tư, các công trình, dự án có quy mô vốn lớn.
Tính đến hết ngày 10/12/2021, giá trị giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt 42,69%; trong đó, cấp thành phố giải ngân đạt 34,5% kế hoạch và đến nay nhiều chủ đầu tư chưa giải ngân được đồng vốn xây dựng cơ bản nào; cấp quận, huyện giải ngân đạt 58,51%.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường cũng cho biết có rất nhiều nguyên nhân khách quan dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp như: ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, chủ quan.
Đó là các chủ đầu tư mặc dù được nhắc nhở nhiều lần nhưng vẫn còn chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm đôn đốc, kiểm tra, giám sát, thúc đẩy tại hiện trường... nên đã dẫn đến kết quả không hoàn thành kế hoạch đề ra, làm ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội của thành phố Cần Thơ bị sụt giảm mạnh trong năm 2021.