Bí thư Quảng Nam Phan Việt Cường 'lệnh' siết quản lý hai bên sông Cổ Cò
Loạt "ông lớn" bất động sản đổ bộ về tỉnh Quảng Nam
Trong những năm vừa qua, để tạo động lực phát triển, Quảng Nam đã đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng tại các huyện của vùng đông. Từ đó, đô thị và nông thôn giữ được mối liên kết hỗ trợ nhau, đảm bảo cho sự phát triển chung, thông qua tuyến đường ven biển Võ Chí Công.
Cũng từ khi có tuyến đường ven biển Võ Chí Công, các đô thị mới như Điện Nam - Điện Ngọc (Điện Bàn), vệt du lịch cao cấp ven biển Hội An - Điện Ngọc, đô thị Nam Hội An, Tam Kỳ, Chu Lai - Núi Thành hình thành và phát triển.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, Quảng Nam cũng tạo ra nhiều cơ chế để thu hút đầu tư về địa phương. Do đó, chỉ trong một thời gian ngắn, vùng đông của tỉnh này đã thu hút được nhiều ông lớn “đổ bộ".
Điển hình là Tập đoàn Vingroup đầu tư khu phức hợp du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Nam Hội An diện tích khoảng 200ha với vốn đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng ở huyện Thăng Bình; Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An (thuộc Tập đoàn VinaCapital) đầu tư khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích 985ha với vốn đầu tư 4 tỷ USD ở huyện Duy Xuyên và huyện Thăng Bình.
Hay mới đây, Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) đã đề nghị tỉnh Quảng Nam giới thiệu cho doanh nghiệp này một vị trí đất ở TP. Hội An, hoặc phía đông của huyện Duy Xuyên (diện tích tối thiểu khoảng 350ha) để hành các bước đầu tư khu đô thị thông minh và sân golf.
Ngoài Tập đoàn Panko (Hàn Quốc), FLC, NovaGroup, Sun Group cũng muốn vào Quảng Nam để đầu tư.
Giải quyết bài toán đền bù GPMB cho chủ đầu tư
Tuy có nhiều tiềm năng thu hút các nhà đầu tư song tỉnh Quảng Nam đang gặp không ít khó khăn trong công tác đền bù, GPMB.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh, do đơn giá bồi thường giải phóng mặt bằng tại các khu vực có sự khác nhau nên trong thời gian tới, tỉnh chỉ tập trung thu hút các dự án có quy mô lớn vài trăm ha, thay vì giao đất cho những dự án nhỏ lẻ, để giải quyết vấn đề chênh lệch giá đền bù.
Giải thích vấn đề trên, ông Lê Trí Thanh đưa ra ví dụ: “Trên một vùng đất có 100ha, mỗi dự án được cấp 10ha, chúng ta sẽ có 10 dự án. Nhưng các dự án trên vùng đất 100ha đó sẽ phát sinh sự chênh lệch giá đất. Giờ vẫn 100ha đó, tỉnh chỉ giao cho một nhà đầu tư thì chỉ phê duyệt một phương án bồi thường và một mức giá giống nhau. Qua đó, chúng ta sẽ giảm đi sự chênh lệch giá đất giữa các dự án”.
Liên quan đến vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường mới đây cũng đã chỉ đạo cương quyết cưỡng chế hoặc bảo vệ thi công đối với trường hợp hồ sơ, thủ tục giải quyết đúng quy định, đã vận động, giải thích nhiều lần nhưng chây ì, cố tình không chấp hành.
Ngoài ra, ông Phan Việt Cường cũng yêu cầu các địa phương khẩn trương rà soát hồ sơ, hoàn thiện thủ tục để ban hành quyết định cưỡng chế, bảo vệ thi công đồng thời không giải quyết các yêu cầu về bồi thường, hỗ trợ không đúng quy định.
Tỉnh cũng yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý đất đai, hiện trạng, trật tự xây dựng, nhất là hiện trạng 2 bên sông Cổ Cò. Đối với mặt bằng đã được bồi thường, các địa phương không để người dân lấn chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép; cương quyết xử lý, tháo dỡ công trình, vật kiến trúc trên diện tích đất, mặt nước đã được bồi thường.
“Từ nay về sau, tuyệt đối không để người dân làm hồ nuôi tôm, lồng, bè, chươm, rớ, đáy... trên sông Cổ Cò. Đối với các công trình (nhà, lều quán...) xây dựng trái phép trong phạm vi hành lang giao thông tuyến đường Võ Chí Công, tuyệt đối không cung cấp điện, nước cho các trường hợp này; Ban Chỉ đạo đề nghị các địa phương thành lập ngay đoàn kiểm tra, xử lý vi phạm”, ông Cường chỉ đạo.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng yêu cầu các đơn vị liên quan chủ động quy hoạch, xây dựng hồ sơ, thủ tục trình cấp thẩm quyền phê duyệt để triển khai thi công các khu tái định cư do địa phương làm chủ đầu tư nhằm tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi công trình, dự án trọng điểm, đảm bảo đúng quy định.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh phối hợp chặt chẽ với đơn vị làm công tác bồi thường, GPMB và địa phương liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ bồi thường, GPMB các dự án trọng điểm; kiểm tra, đốc thúc đơn vị thi công đảm bảo chất lượng, khẩn trương thi công ngay khi được bàn giao mặt bằng.
Đối với kiến nghị, đề xuất của địa phương, Ban Chỉ đạo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp, hỗ trợ địa phương xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tại nơi có dự án trọng điểm triển khai; tập trung giải quyết các hồ sơ về bồi thường, GPMB liên quan đến dự án, công trình trọng điểm của tỉnh; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai trên địa bàn toàn tỉnh.
Để thực hiện tốt công tác bồi thường, GPMB, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án trọng điểm thi công đúng tiến độ, sớm đưa vào sử dụng, Trưởng ban Chỉ đạo đề nghị các tổ công tác, thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc công tác bồi thường, GPMB 7 dự án trọng điểm thuộc diện theo dõi, kịp thời phản ảnh các khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết.