Bất động sản vẫn hút vốn nhà đầu tư nước ngoài
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bất động sản đứng thứ 3 trong danh sách các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau 10 tháng đầu năm với số tiền 2,12 tỷ USD, tương đương gần 9% tổng vốn đầu tư nước ngoài.
Trong đó, số dự án được cấp mới là 44 với giá trị vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD. Số lượt dự án điều chỉnh từ đầu năm là 17 với giá trị điều chỉnh tăng gần 116 triệu USD. Số lượt góp vốn mua cổ phần là 94, đạt gần 912 triệu USD.
Lũy kế đến nay, số dự án bất động sản còn hiệu lực là 978 với giá trị lên đến 61,3 tỷ USD. Đây là lĩnh vực có vốn FDI đăng ký lũy kế lớn thứ 2 cho đến nay (chỉ xếp sau lĩnh vực chế biến chế tạo với con số 239 tỷ USD).
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, bất động sản là số ít ngành có lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ (bên cạnh tài chính và vận tải kho bãi). Có hơn 5.900 doanh nghiệp bất động sản ra đời kể từ đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động cũng tăng 13,8% đạt 1.161 đơn vị. Đây cũng là 1 trong 3 ngành ghi nhận doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng lên kể từ đầu năm.
Xu thế phát triển của xuất khẩu và thu hút vốn FDI sẽ giúp các khu công nghiệp, hạ tầng giao thông, hệ thống cảng biển, kho bãi và tiến trình đô thị hóa phát triển mạnh. Những yếu tố này sẽ là nền tảng vững chắc cho thị trường bất động sản phục hồi và phát triển trong trung hạn mà điểm nhấn là bất động sản công nghiệp.
Theo Hiệp hội bất động sản Việt Nam, dù chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản vẫn đang có những chỉ dấu về sự phục hồi khi tình hình dịch bệnh từng bước được khống chế hiệu quả, các dự án, công trình xây dựng được phép hoạt động trở lại. Tuy nhiên, đà hồi phục và phát triển của thị trường bất động sản có độ trễ nhất định.
Bên cạnh đó thời gian qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ cũng đã giúp doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn có điều kiện thuận lợi trong việc huy động và điều phối dòng vốn, từ đó có điều kiện hoạch định và phân bổ lợi nhuận tốt hơn.