Bất động sản phía Tây "thêm cánh" nhờ hạ tầng
Những tuyến đường “đánh thức” bất động sản Thủ đô
Năm 2024, Hà Nội sẽ triển khai 58 dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, các dự án vành đai kết nối được đốc thúc thực hiện nhanh chóng. Đặc biệt, theo quy hoạch Hà Nội sẽ có thêm trung tâm hành chính - kinh tế mới được hình thành ở khu vực phía Tây.
Theo đó, những năm gần đây phía Tây được ưu tiên đầu tư mạnh mẽ với hệ thống hạ tầng linh hoạt và đồng bộ. Các tuyến đường giao thông lớn dần hình thành kết nối khu vực này với trung tâm Thành phố như Đại Lộ Thăng Long, Đường 32, tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, trục đường hướng tâm Tố Hữu – Lê Văn Lương...
Ngoài điểm cộng là sát cạnh các trục đường giao thông lớn đã có, các dự án phía Tây Hà Nội còn “đón sóng” đầu tư khi tuyến đường Lê Quang Đạo (đoạn từ Đại lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, đến vị trí ranh giới khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông) đã được thông xe kỹ thuật vào ngày 01/04 vừa qua và dự kiến đưa vào sử dụng tháng 10/2024.
Dự án đường Vành đai 3,5 và Đại lộ Thăng Long có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng đã được khởi công trong quý 2/2023. Đường vành đai 4 đã bước vào giai đoạn triển khai, dự kiến đi vào hoạt động năm 2027. Đây là 2 dự án trọng điểm của thành phố Hà Nội góp phần thay đổi diện mạo khu vực phía Tây và kết nối các tuyến đường Bắc – Nam.
Đáng chú ý, thành phố vừa thông qua chủ trương triển khai tuyến đường sắt số 5 (Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc), có tổng vốn đầu tư dự kiến 65.404 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến là 38,43km. Khi tuyến đường sắt hoàn thành dự kiến vào năm 2025 sẽ giúp diện mạo phía Tây thêm khởi sắc.
Không chỉ có hệ thống giao thông thuận tiện, hạ tầng xã hội tại khu vực phía Tây cũng phát triển mạnh mẽ với hàng trăm điểm trường học, bệnh viện, trung tâm văn hóa – thể thao, công viên hiện đại… mọc lên nhanh chóng chỉ trong thời gian ngắn.
Đặc biệt, sự dịch chuyển các sở ban ngành về khu vực phía Tây đã tạo nên địa điểm tập trung của hàng nghìn doanh nghiệp lớn nhỏ trong và ngoài nước, từ đó hình thành làn sóng dịch chuyển an cư về phía Tây thành phố của lượng lớn cán bộ công chức nhà nước, chuyên gia nước ngoài, lao động chất lượng cao,… Theo nhiều chuyên gia, làn sóng “Tây tiến” làm gia tăng nhu cầu nhà ở tại khu vực góp phần giúp thị trường bất động sản phía Tây Hà Nội phục hồi nhanh chóng.
Bất động sản phía Tây “cất cánh”
Theo ghi nhận của Hội Môi giới Bất động sản, nhiều quý liên tiếp căn hộ phía Tây Hà Nội áp đảo về nguồn cung và giao dịch. Riêng các quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy luôn dẫn đầu thị trường về thị phần nguồn cung với khoảng 30% từ năm 2011 đến nay. Đồng thời, đây là khu vực có nguồn cung văn phòng lớn nhất Thủ đô, với 50% thị phần, tương đương 873.700m2.
Không chỉ dẫn đầu về nguồn cung, bất động sản phía Tây cũng liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, ghi nhận lượng giao dịch sôi động nhất Thủ đô. Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, tốc độ tăng giá của căn hộ phía Tây Hà Nội cao hơn căn hộ các khu vực khác trung bình từ 7-15%. Tùy từng vị trí, từng dự án, mức tăng trung bình đạt 300-700 triệu đồng/căn.
Những năm gần đây, khu vực phía Tây nhanh chóng thu hút các nhà phát triển bất động sản lớn với dự án khu đô thị thông minh và những công trình bất động sản mang tính biểu tượng, đơn cử như Tập đoàn MIK Group với dự án chung cư hạng A đầu tiên tại Hà Nội – The Matrix One hay chuỗi căn hộ cao cấp mang thương hiệu Imperia. Sở hữu vị trí đắc địa giữa lòng đại đô thị thông minh phía Tây Hà Nội và nằm sát tuyến đường chính của dự án rộng 52m, tổng khu Imperia Smart City do MIK Group phát triển đã góp hàng ngàn căn hộ chất lượng cao giúp thị trường bất động sản trở nên sôi động.
Bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội nhận xét, khu vực phía Tây vẫn sẽ là tâm điểm phát triển của Hà Nội trong thời gian sắp tới, trong đó tập trung hơn về chất lượng, cải thiện mạnh về cơ sở hạ tầng giao thông, cảnh quan để giảm áp lực về dân cư và lưu lượng đi lại lớn.