Ẩn họa từ những "quả bom nước” trên nóc các khu tập thể cũ ở Hà Nội
Không khó để nhìn thấy hình ảnh những bồn nước inox được đặt đứng, nằm... ngổn ngang, lố nhố, chen chúc trên nóc nhà các khu tập thể cũ tại Thủ đô. Vốn các toà nhà này đã cũ và xuống cấp, nhưng người dân vẫn "bắt" chúng phải gánh chịu thêm lực đè từ hàng trăm bồn nước tương đương với hàng trăm tấn .
Chính vì vậy, những bồn nước này chẳng khác gì những "quả bom nước", sẵn sàng đổ ập xuống bất cứ lúc nào.
Hình ảnh khiến nhiều người giật mình tại khu tập thể Thành Công: những bồn nước sinh hoạt đủ mọi kích cỡ được lắp đặt không theo bất cứ quy định cụ thể nào. Chúng được đặt trên mái nhà để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân.
Theo khảo sát hầu hết các khu tập thể tại Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Giảng Võ, Thành Công (Ba Đình), Trung Tự, Kim Liên (Đống Đa), Thanh Xuân (Thanh Xuân)..., người dân đều lắp đặt bồn nước inox trên các nóc nhà.
Với người dân ở những khu tập thể cũ việc tìm vị trí và đặt bình nước inox này là một bài toán khó. Không còn cách nào khác, tầng thượng được xem là phương án lý tưởng nhất, bởi vừa tiết kiệm không gian trong nhà, mà lực nước từ trên dồn xuống mạnh giúp các gia đình tiết kiệm chi phí lắp đặt máy bơm.
Các bồn nước thường có dung tích từ 500 - 1.500 lít nước, được gia cố sơ sài bằng các khung sắt. Qua thời gian, dưới tác động trực tiếp của yếu tố thời tiết, các khung sắt đã hoen gỉ, tiềm ẩn nguy cơ nứt gãy.
Nhiều bồn nước nằm ở vị trí chênh vênh, rào chắn sơ sài.
Người dân cho biết: dù biết đặt bồn nước trên mái nhà là nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.
Hầu hết bồn nước "bám" trên tầng thượng các khu tập thể đều được người sử dụng lắp theo kiểu mệnh ai nấy làm... Nhiều tầng thượng xây dựng vào những năm 70 của thế kỷ trước thiết kế dạng mái nghiêng nhưng người dân vẫn "liều mình" đặt bồn nước lên và "giữ cân đối" bằng cách xây chân xi-măng, đế gạch. Chỉ nhìn bằng mắt thường cũng thấy bồn nước đang ở tình trạng sẵn sàng đổ sập khi có gió to hay mưa bão.