Xây dựng không phép tại Cụm công nghiệp Đoàn Tùng: Ai xử lý?
Liên quan đến việc hàng loạt doanh nghiệp ở cụm công nghiệp Đoàn Tùng(xã Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) ngang nhiên xây dựng nhà xưởng, nhà ở, văn phòng khi chưa hoàn thiện các thủ tục, chưa được cấp phép xây dựng, dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi về trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng trên.
Cụ thể, dư luận đặt câu hỏi về trách nhiệm của UBND xã Đoàn Tùng và UBND huyện Thanh Miện khi không kịp thời ngăn chặn việc các doanh nghiệp xây dựng hàng loạt công trình vi phạm khi không có giấy phép xây dựng? Các cấp chính quyền huyện Thanh Miện có kiểm tra, xử lý hay buông lỏng quản lý? Bởi việc hàng loạt doanh nghiệp xây dựng hàng loạt các công trình không phép giữa ban ngày với hàng chục nhà xưởng, công trình “khủng’ giữa thanh thiên bạch nhật như vậy nên không có chuyện chính quyền không nắm được.
Để làm rõ những câu hỏi trên, ngày 11/6, PV Kiến Thức tiếp tục liên lạc với ông An Đăng Sáng – Chánh Văn phòng UBND huyện Thanh Miện. Theo lời ông Sáng, chiều ngày 10/6, ông đã báo cáo Chủ tịch UBND huyện và hiện nay Chủ tịch huyện đang sắp lịch để làm việc với PV.
Dự án Công ty TNHH Leotech Việt Nam tại CCN Đoàn Tùng.
Trước đó, trong buổi làm việc với PV, ông An Đăng Sáng cho biết, về cung cấp thông tin cho báo chí theo quy định của UBND tỉnh Hải Dương hiện nay, việc cung cấp hồ sơ, tài liệu và trả lời báo chí, UBND huyện chỉ có duy nhất một người trả lời cung cấp thông tin cho báo chí là Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện. Tuy nhiên, PV Kiến Thức đã nhiều lần liên lạc qua điện thoại với ông Nhữ Văn Cúc – Chủ tịch UBND huyện Thanh Miện nhưng ông Cúc không bắt máy.
Ngày 12/6, PV đã có buổi làm việc với Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương - ông Nguyễn Thành Công để làm rõ thêm việc xử lý những công trình xây dựng không phép sau 60 ngày Thanh tra Sở ra quyết định xử phạt hành chính theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP.
Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết, theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP, sau khi xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp giấy phép xây dựng; Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản này, tổ chức, cá nhân vi phạm không xuất trình với người có thẩm quyền xử phạt giấy phép xây dựng hoặc giấy phép xây dựng được điều chỉnh thì bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm.
“Việc tháo dỡ những công trình xây dựng không có giấy phép trên là biện pháp mạnh nhất và cuối cùng. Khi buộc phải tháo dỡ, cấp trên sẽ ra quyết định tháo dỡ và UBND xã là đơn vị tổ chức thực hiện tháo dỡ, ông Nguyễn Thành Công cho biết.
Theo ông Nguyễn Thành Công, trước những vi phạm của một số doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp Đoàn Tùng, Thanh tra Sở sẽ nắm bắt thêm và đôn đốc UBND huyện Thanh Miện để yêu cầu tạm dừng thi công các công trình trên.
“Đối với những vi phạm của một số doanh nghiệp tại Cụm Công nghiệp Đoàn Tùng, việc báo chí phản ánh là hoàn toàn đúng. Trên cơ sở báo chí đăng, Thanh tra Sở sẽ tích cực vào cuộc, đôn đốc xử lý tình trạng trên. Đến thời điểm hiện tại cả 3 doanh nghiệp đều chưa có giấy phép xây dựng”, ông Nguyễn Thành Công cho biết và nói thêm: “Thu hút đầu tư là rất cần thiết tuy nhiên các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam”.
Trước đó, Kiến Thức đã phản ánh về hàng loạt doanh nghiệp xây dựng nhiều công trình không phép tại CCN Đoàn Tùng. Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đã xử phạt hành chính 3 doanh nghiệp do xây dựng không có phép tại Cụm Công nghiệp Đoàn Tùng.
Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên đang triển khai thực hiện dự án Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em tại Cụm Công nghiệp Đoàn Tùng. Dự án có tổng vốn đầu tư 110 tỷ đồng, sản lượng khoảng 5,5 triệu sản phẩm/năm. Tuy nhiên, hiện nay tại dự án này, dù chưa được cấp phép xây dựng, Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên thản nhiên xây nhiều hạng mục công trình như nhà xưởng chính, nhà ở cán bộ, nhà văn phòng, nhà để xe và các hạng mục phụ trợ.
Dự án của Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên.
Công ty TNHH Leotech Việt Nam đang triển khai thi công nhiều hạng mục công trình như xây dựng 3 nhà xưởng, nhà văn phòng, nhà ăn và các hạng mục phụ trợ khi không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng đối với xây dựng công trình có yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng.
Tại lô CN 01 Cụm công nghiệp Đoàn Tùng, Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam đang triển khai thi công Nhà máy sản xuất cần câu cá với nhiều hạng mục công trình như nhà xưởng chính, nhà để xe, nhà ăn công nhân và các hạng mục phụ trợ mà không có giấy phép xây dựng.
Trước tình trạng vi phạm trên, ngày 3/4/2019, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương đã ban hành hàng loạt các quyết định xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm của các doanh nghiệp.
Cụ thể, tại quyết định 14/QĐ-CPVPHC, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử phạt công ty TNHH Leotech Việt Nam số tiền 50 triệu đồng do đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính như vi phạm quy định về trật tự xây dựng khi tổ chức thi công công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép; vi phạm quy định tại điểm c, khoản 5, điều 15 Nghị định 139/ 2017/NĐ-CP của Chính phủ.
Tương tự với hành vi vi phạm trên, Công ty TNHH Hearty Rise Việt Nam bị xử phạt hành chính 50 triệu đồng (quyết định xử phạt hành chính số 12/QĐ-CPVPHC của Thanh tra Sở Xây dựng) và Công ty TNHH Thương mại Bình Nguyên bị xử phạt 50 triệu đồng (tại Quyết định 13/QĐ-CPVPHC của Thanh tra Sở Xây dựng Hải Dương).
Đáng chú ý theo các quyết định xử phạt hành chính trên cho thấy, 3 công ty trên đều có tình tiết tăng nặng là vi phạm hành chính nhiều lần.
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cũng nêu rõ trong thời gian 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, đại diện tổ chức vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng. Hết thời hạn này mà không xuất trình được giấy phép xây dựng với người có thẩm quyền thì áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình, phần công trình vi phạm theo quy định. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng, tổ chức vi phạm phải tháo dỡ công trình, phần công trình không phù hợp với giấy phép xây dựng được cấp thì mới tiếp tục được thi công xây dựng.