Thị trường   •   Thứ bảy, 22/02/2020, 17:45 PM

Vinaconex muốn làm du lịch tâm linh ở Phú Yên: Thận trọng

Phải rà soát, không thể để tình trạng núp bóng du lịch tâm linh rồi các dự án nở ra như nấm sau mưa rào được

Trước thông tin Công ty CP Xuất nhập khẩu Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề xuất xây dựng Khu du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng Biển Hồ tại xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên với quy mô 470ha, ông Lê Việt Trường - nguyên ĐBQH Khóa XIII cho rằng, phải xem xét thận trọng.

Núi Đá Bia ở Phú Yên. Ảnh: Báo Phú Yên

Chỉ ra hàng loạt những vấn đề liên quan tới việc cấp phép xây dựng các dự án du lịch tâm linh thời gian qua, ông Trường cho biết, với đề xuất của Vinaconex, Phú Yên cần đánh giá cụ thể dựa trên những yếu tố sau.

Thứ nhất, phải công khai, minh bạch. Theo đó, ông Trường đề nghị phải thực hiện khảo sát, đánh giá về nhu cầu thật sự của người dân có mong muốn xây dựng dự án này hay không? Lưu ý, đây là nhu cầu thật của người dân, nhu cầu của đại bộ phận dân chúng không phải nhu cầu của một nhóm nhỏ doanh nghiệp hay cán bộ. Vấn đề này cần phải được lấy ý kiến rộng rãi, trả lời cho rõ ràng, công khai, minh bạch trước công luận.

Thứ hai, phải minh bạch tâm linh với dịch vụ kinh doanh.

Ông Trường cho biết, thực hiện xây dựng du lịch kết hợp tâm linh phải căn trên luật đất đai, luật du lịch và cả luật tín ngưỡng, tôn giáo.

Theo ông Trường, quan điểm của Chính phủ khi cho xây dựng chùa chiền, các điểm thờ tự, di tích đều căn cứ theo luật và phải dựa trên các điều kiện xem xét rất chặt chẽ, ví dụ đó phải là điểm di tích gắn với liền với những yếu tố lịch sử, hoặc những điểm chứa đựng những giá trị văn hóa có ý nghĩ to lớn với địa phương...

Dựa trên các điều kiện xem xét rất chặt chẽ như vậy mới quyết định khôi phục lại các điểm thờ tự, tâm linh tại khu vực đó hay không. Đi cùng với việc khôi phục, bảo vệ là những chứng nhận về giá trị truyền thống, văn hóa, lịch sử tiêu biểu của từng điểm, từng địa phương.

"Tôi từng chứng kiến và biết rất nhiều địa phương làm chặt chẽ, làm nghiêm trong việc xây dựng các điểm tâm linh. Và nhiều dự án không đủ điều kiện đã không được cấp phép.

Tuy nhiên, những năm gần đây việc xem xét cấp phép, xây dựng các khu du lịch tâm linh được nới lỏng, nhiều nơi không có di sản, di tích cũng được cấp phép xây dựng, lập dự án, hình thành các dự án tâm linh đồ sộ, hoành tráng. Việc này phải xem xét, rà soát lại. Xây dựng dự án du lịch tâm linh không chỉ dựa trên luật đất đai mà cần căn cứ, dựa trên nhiều luật khác nữa vì đây là dự án tâm linh kết hợp với du lịch, không đơn thuần chỉ là dự án tâm linh.

Thậm chí có hiện tượng dự án hình thành trước rồi lập quy hoạch, địa phương giao đất, tư nhân đổ tiền làm, quản lý và thu phí", ông Trường nêu.

Từ thực tế trên, nguyên ĐBQH khóa XIII yêu cầu làm rõ, minh bạch giữa việc kết hợp tâm linh với việc xây dựng khu du lịch.

Ông nhấn mạnh, du lịch là kinh doanh còn tâm linh là không kinh doanh. Phải minh bạch để tránh tình trạng lạm dụng tâm linh để kinh doanh, trục lợi.

Yêu cầu trên xuất phát từ thực tế khi doanh nghiệp xây dựng dự án bị yêu cầu thực hiện nghĩa vụ với nhà nước như đóng thuế thì lấy lý do là làm tâm linh phục vụ nhân dân để trốn tránh, không đóng thuế hoặc đóng thuế ít. Còn khi cần tổ chức thu phí thì lại giải thích đây là dịch vụ kinh doanh, rồi lạm dụng thu tiền.

"Cơ quan quản lý, cụ thể là Phú Yên phải xem xét hết sức thận trọng, tách bạch rõ ràng để tránh nhập nhèm, tạo điều kiện làm lợi cho nhà đầu tư", ông Trường nói.

Vấn đề thứ ba, ông Trường đề nghị các địa phương, cơ quan quản lý cần tỉnh táo đánh giá, tránh tâm lý chạy theo dự án, chạy theo phong trào.

Lấy lại từ ví dụ quy hoạch chợ, ông Trường chứng minh một thực tế đang có nhu cầu ảo, quy hoạch ảo rồi sau đó chủ đầu tư thay đổi dự án, xây dựng sai mục đích ban đầu.

"Câu chuyện ở một tỉnh tôi được nghe, cơ quan quản lý giải tỏa, lấy đất của dân để làm chợ dân sinh nhưng sau khi giao cho chủ đầu tư lại là một tòa nhà cao tầng, chung cư mọc lên rồi lại đi tìm một khu đất khác để làm chợ.

Tương tự ở các dự án du lịch tâm linh cũng vậy, chủ đầu tư xin đất làm chùa thì ít nhưng xin đất xây biệt thự, khu nghỉ dưỡng để kinh doanh thì lớn. Nếu không kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì sẽ có những câu chuyện luồn lách, chạy dự án bằng cách đi qua nhóm lợi ích", ông Trường dẫn chứng.

Thứ tư, vấn đề giao đất cho doanh nghiệp làm khu du lịch tâm linh cũng chưa rõ ràng, minh bạch.

Ông Trường cho biết, nếu dự án được xây dựng với mục đích tâm linh nhà nước sẽ cấp đất, không thu thuế. Chính vì lý do này, thời gian qua các đại biểu quốc hội đã lên tiếng nhiều về các dự án đang được giao với diện tích đất hàng nghìn hec-ta như: quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam), chùa Bái Đính (Ninh Bình)... nhưng cơ chế cho thuê đất, thu thuế đất lại nhập nhèm, gây thất thoát ngân sách, làm lợi cho chủ đầu tư.

Việc này theo ông Trường, phải làm minh định khái niệm du lịch với tâm linh. Với những khu vực thuần túy chỉ phục vụ mục đích tâm linh thì không được thu thuế, phí nhưng khu vực phục vụ mục đích kinh doanh phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm với nhà nước, không thể trốn tránh.

Bên cạnh đó, đối với các khu vực khai thác dịch vụ tại các khu du lịch tâm linh cũng phải được quy định rất chặt chẽ.

Lấy ví dụ như quần thể chùa Tam Chúc (Hà Nam), ông Trường cho rằng việc doanh nghiệp khai thác các dịch vụ như xe khách phải gửi xe 30.000 đồng, khách đi xe điện với giá 60.000 đồng/người, rồi nguồn thu từ các điểm bán hàng là rất lớn.

"Tôi không hiểu rõ với các dịch vụ này thì cơ quan quản lý thế nào? Nếu doanh nghiệp không có nghĩa vụ đóng thuế với những diện tích đất mà họ đang khai thác, tạo nguồn thu từ các dịch vụ bến bãi sẽ là sự bất bình đẳng và gây thất thu cho ngân sách rất lớn", ông Trường nói.

Từ những phân tích trên, ông Trường cho rằng với những trường hợp dư luận phản ánh như chùa Tam Chúc, Bái Đính, Tam Cốc... các cơ quan quản lý phải vào cuộc rà soát lại toàn bộ các dự án. Trong trường hợp xác định có sai phạm cần xử lý theo các quy định của pháp luật. Ngược lại, nếu do quy định của pháp luật còn kẽ hở, các cơ quan chức năng phải vào cuộc, nhanh chóng lấp lỗ hổng, truy thu theo quy định.

"Chúng ta đang phải đối diện với thực trạng "đất chật người đông", nếu dự án nào cũng cấp hàng nghìn hec-ta như vậy thì không mấy sẽ bị cạt kiệt quỹ đất. Không thể cứ để tình trạng núp bóng du lịch tâm linh rồi các dự án nở ra như nấm sau mưa rào như vậy được", ông Trường cảnh báo.


Theo VietnamFinance

Đà Nẵng chào thuê nhà ở xã hội với giá 48.000 đồng/m2/tháng

Thị trường   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:08 AM
51 căn hộ nhà ở xã hội tại khối E3, E4 thuộc dự án chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh được Sở Xây dựng Đà Nẵng chào thuê với giá 48.000 đồng/m2/tháng.

Đón sóng đất đấu giá đang nóng hầm hập, cẩn trọng những "vết xe đổ"

Thị trường   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:07 AM
Sau năm 2023 được đánh giá là "chạm đáy", đất đấu giá đang cho thấy những dấu hiệu tăng nhiệt tại nhiều địa phương, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Ở không ít điểm nóng, có những lô đất trúng đấu giá chênh hàng chục tỷ đồng so với mức khởi điểm.

Ủy ban Kinh tế: Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội

Thị trường   •   Thứ ba, 14/05/2024, 20:04 PM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Điểm tên 8 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ

Thị trường   •   Thứ ba, 07/05/2024, 10:30 AM
Hiện có 8 dự án nhà ở xã hội (NOXH) trong số 17 dự án NOXH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2025 đang chậm tiến độ.

Dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào bất động sản

Thị trường   •   Thứ sáu, 03/05/2024, 15:44 PM
Lượng kiều hối về Việt Nam mỗi năm tương đương với giá trị 10.000 căn hộ cùng với đó là sự cởi mở từ Luật Đất đai 2024 được cho là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.