Thị trường   •   Thứ năm, 14/11/2019, 11:06 AM

Vietinbank đứng sau loạt dự án BOT của Tập đoàn Đèo Cả

Nhiều công ty thuộc Tập đoàn Đèo Cả đã thế chấp lợi ích, quyền thu phí từ các dự án BT, BOT để vay vốn của Vietinbank từ năm 2013.

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2019, ước tính dư nợ các dự án BOT, BT có quy mô gần 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,4% tổng dư nợ của nền kinh tế.

Trong đó, có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

So với quy mô khoảng 110.000 tỷ đồng dư nợ thì tỷ trọng có nguy cơ đó đã chiếm gần phân nửa. Vốn huy động của hệ thống ngân hàng chủ yếu ngắn hạn dưới 12 tháng, nhưng vốn vay ở lĩnh vực này thường có thời hạn rất dài, từ 10-20 năm. Vì vậy, cho vay các dự án BOT, BT giao thông còn có đặc thù rủi ro trong cân đối kỳ hạn.

Đáng chú ý, dù chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ nền kinh tế, nhưng hoạt động cho vay các dự án BOT và BT lại tập trung tại số ít nhóm doanh nghiệp. Điều này làm phát sinh thêm rủi ro cục bộ đối với hoạt động cho vay dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.

Tập đoàn Đèo Cả (DeoCa Group) là một trong những doanh nghiệp lớn nhất đang triển khai nhiều dự án BOT, BT tại Việt Nam với quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng. Thành viên của Tập đoàn Đèo Cả, Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả, hiện là chủ đầu tư dự án xây dựng hầm đường bộ qua Đèo Cả với tổng mức đầu tư hơn 26.000 tỷ đồng.

Các công ty liên quan đến Tập đoàn Đèo Cả như Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn là chủ đầu tư Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có vốn gần 12.200 tỷ đồng; Công ty Phước Tượng Phú Gia BOT là chủ đầu tư dự án Hầm xuyên đèo Phú Gia; Công ty BOT Đèo Cả Khánh Hoà phụ trách Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 tại tỉnh Khánh Hòa; Công ty BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị là chủ đầu tư dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị có vốn hơn 8.700 tỷ đồng.

Rủi ro tín dụng của nhiều dự án này trong số này thuộc về ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), ngân hàng tài trợ nguồn vốn chủ yếu cho các dự án của Tập đoàn Đèo Cả.

Từ 2013, dự án đầu tư xây dựng hầm đường bộ Đèo Cả - Quốc lộ 1 tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hòa bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân có tổng mức đầu tư 26.154 tỷ đồng đã được chủ đầu tư thế chấp nhiều lần tại Vietinbank.

Các tài sản thế chấp bao gồm quyền tài sản phát sinh từ nhiều hạng mục xây dựng thuộc dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và quyền thu phí tại các trạm thu phí theo theo Hợp đồng Dự án BOT, BT tại Vietinbank.

Hầm đường bộ Đèo Cả

Không chỉ riêng dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, các dự án BOT, BT khác đang được công ty thành viên thuộc tập đoàn Đèo Cả thực hiện cũng được thế chấp tài sản tại Vietinbank.

Năm 2017, Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn đoạn km1+800 – Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 – Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn đã mang toàn bộ lợi ích từ việc triển khai dự án này làm tài sản đảm bảo tại Vietinbank. Đến năm 2018, công ty tiếp tục sử dụng đồng BOT với tỉnh Lạng Sơn làm tài sản bảo đảm cho các nghĩa vụ trả nợ tại ngân hàng này.

Trong khi đó, Công ty Đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa, chủ đầu tư Dự án mở rộng QL1A đoạn Km1374+525 – Km1392 và Km1405 – Km1425 (đoạn qua tỉnh Khánh Hòa) đã thế chấp quyền lợi phát sinh từ dự án vào năm 2014. Khi đó, Vietinbank đã cấp khoản vay trị giá 2.339 tỷ đồng cho dự án này.

Vietinbank cũng là một trong 4 ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, được thực hiện theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư 9.668 tỷ đồng. Sau 10 năm triển khai chậm, Tập đoàn Đèo Cả đã được mời tham gia phát triển dự án này để đẩy nhanh tiến độ. Hiện ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.

Một ngân hàng khác cũng tham gia mạnh vào hoạt động cấp vốn cho dự án BOT của Tập đoàn Đèo Cả ngân hàng Việt Á (VietA Bank). Cụ thể, năm 2014, công ty triển khai dự án hầm đường bộ Phước Tượng – Phú Gia đã tiến hành cầm cố các tài sản theo hợp đồng dự án BOT số 11387/HĐ.BOT-BGTVT ngày 24/10/2013 tại VietA Bank, với giá trị tài sản đảm bảo là 1.351 tỷ đồng.

Dự án hầm đường bộ Phước Tượng - Phú Gia nằm trên Quốc lộ 1, đoạn qua huyện Phúc Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, có tổng mức đầu tư trên 1.559 tỷ đồng, được khởi công từ 18.5.2013 và đưa vào sử dụng từ tháng 12/2015.

Mới đây, Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (Hamadeco), một công ty thành viên thuộc tập đoàn Đèo Cả cho biết đã nhận chuyển nhượng cổ phần từ 5 đối tác để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng với tổng giá trị hơn 2.394 tỷ đồng.

5 chủ nợ lớn bao gồm CTCP Đầu tư Hải Thạch B.O.T (1.117 tỷ đồng), CTCP Đầu tư Hạ tầng Miền Bắc (882 tỷ đồng), CTCP Tập đoàn Hải Thạch (112 tỷ đồng), CTCP BOT Hưng Phát (164 tỷ đồng), CTCP đầu tư thương mại Quốc tế Hà Thành (108 tỷ đồng). Các chủ nợ lớn đã tài trợ cho Hamadeco thực hiện mua các dự án công trình giao thông để gia tăng thị phần công trình đường bộ.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường diễn ra vào ngày 1/11/2019, cổ đông Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả đã thông qua phương án hoán đổi nợ thành cổ phần cho 5 đối tác trên. Dự kiến sau khi hoàn thành hoán đổi công nợ, vốn góp cổ phần của Công ty Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả sẽ tăng từ 79 tỷ đồng lên 2.473 tỷ đồng.

Nghiệp vụ hoán đổi nợ thành cổ phần giúp Hamadeco hoàn toàn “lột xác”, với tổng tài sản tăng mạnh từ 360 tỷ đồng lên gần 2.800 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty cũng biến mất trên bảng cân đối và thay vào đó là vốn điều lệ tăng mạnh.

Cùng với chủ trương hoán đổi nợ thành cổ phần, ban lãnh đạo công ty còn thông qua kế hoạch huy động thêm vốn vay để đầu tư bổ sung vào các dự án hạ tầng giao thông với số tiền 700 tỷ đồng, lãi suất vay chỉ 3,5%/năm từ các cổ đông, tổ chức và cá nhân khác.


Theo VietnamFinance

Đà Nẵng chào thuê nhà ở xã hội với giá 48.000 đồng/m2/tháng

Thị trường   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:08 AM
51 căn hộ nhà ở xã hội tại khối E3, E4 thuộc dự án chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh được Sở Xây dựng Đà Nẵng chào thuê với giá 48.000 đồng/m2/tháng.

Đón sóng đất đấu giá đang nóng hầm hập, cẩn trọng những "vết xe đổ"

Thị trường   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:07 AM
Sau năm 2023 được đánh giá là "chạm đáy", đất đấu giá đang cho thấy những dấu hiệu tăng nhiệt tại nhiều địa phương, thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Ở không ít điểm nóng, có những lô đất trúng đấu giá chênh hàng chục tỷ đồng so với mức khởi điểm.

Ủy ban Kinh tế: Xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội

Thị trường   •   Thứ ba, 14/05/2024, 20:04 PM
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn nhất là về quy trình, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, xuất hiện tình trạng “lách luật” để đầu tư, mua bán căn hộ nhà ở xã hội.

Bà Rịa-Vũng Tàu: Điểm tên 8 dự án nhà ở xã hội chậm tiến độ

Thị trường   •   Thứ ba, 07/05/2024, 10:30 AM
Hiện có 8 dự án nhà ở xã hội (NOXH) trong số 17 dự án NOXH trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu giai đoạn 2023-2025 đang chậm tiến độ.

Dòng kiều hối sẽ đổ mạnh vào bất động sản

Thị trường   •   Thứ sáu, 03/05/2024, 15:44 PM
Lượng kiều hối về Việt Nam mỗi năm tương đương với giá trị 10.000 căn hộ cùng với đó là sự cởi mở từ Luật Đất đai 2024 được cho là trợ lực cho thị trường bất động sản thời gian tới.