Tỷ suất sinh lợi của các ông lớn bất động sản: FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đội sổ
Xét về giá trị lợi nhuận tuyệt đối, bộ ba trong dòng họ Vin gồm Vinhomes (VHM), Tập đoàn Vingroup (VIC) và Vincom Retail (VRE) đóng góp phần lớn lợi nhuận trong nhóm bất động sản.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác trong ngành cũng có lợi nhuận trong 9 tháng năm 2019 tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ như Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB), Tập đoàn Hà Đô (HDG),…
Để có thể đánh giá về khả năng sinh lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư cần quan tâm đến các chỉ số như tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) và tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA).
Theo thống kê kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản, ROE của các doanh nghiệp có tỷ lệ dao động từ 0,9% đến 54,3%.
Hà Đô là doanh nghiệp ghi nhận chỉ số ROE lớn nhất hơn 54%, gấp gần 3,7 lần so với tỷ lệ của 9 tháng năm 2018. Trong khi đó chỉ số ROE thấp nhất chưa đến 1% là Tập đoàn FLC (FLC) của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, giảm 63% so với tỷ số này của cùng kỳ.
Xét về mức độ tăng trưởng chỉ số ROE so với cùng kỳ, đứng đầu đó là Năm Bảy Bảy (tăng 401%), Hà Đô (tăng 271%), Tập đoàn Vingroup (tăng 102%),…
Về mức giảm chỉ số ROE có Đầu tư Văn Phú - INVEST (VPI) giảm 65%, Tập đoàn FLC giảm 63%, Đầu tư Nam Long (NLG) giảm 47%,…
Sở dĩ Hà Đô có ROE tăng trưởng đột biến là do Công ty báo lãi tăng trưởng so cùng kỳ. Theo đó, luỹ kế 9 tháng năm 2019, Hà Đô ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 3.118 tỷ đồng cao gấp 2,3 lần cùng kỳ.
Trong đó, 65% doanh thu đến từ mảng kinh doanh bất động sản, 10% đến từ mảng xây lắp, 17% đến từ mảng năng lượng, 9% doanh thu còn lại thuộc về mảng khách sạn và dịch vụ khác.
Lợi nhuận sau thuế hợp nhất 9 tháng Hà Đô đạt 796 tỷ đồng, tăng 255% so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 64% kế hoạch năm. Biên lãi gộp cải thiện đáng kể từ mức 31% trong nửa đầu năm 2018 lên 43%.
Còn về Văn Phú, do kết quả kinh doanh trong quý 3 có phần sụt giảm khiến cho lãi ròng trong 9 tháng của Công ty cũng giảm do vậy ROE của Văn Phú giảm đến 65% chỉ đạt 2,8%.
Trong quý 3, Văn Phú ghi nhận 329 tỷ đồng doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, tương ứng với mức tăng 57% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế đạt mức 22 tỷ đồng, giảm 82%. Do trong quý 3/2018, Văn Phú-Invest có phát sinh khoản hoàn nhập chi phí trích trước làm giảm giá vốn bất động sản dẫn tới tăng lợi nhuận.
Còn chỉ số ROA trong 9 tháng 2019 của một số doanh nghiệp bất động sản dao động từ 0,2% đến 9,5%. Vinhomes đứng đầu trong nhóm chỉ số này khi ghi nhận 9,5%, tăng 12% so với chỉ số ROA của cùng kỳ năm trước. Theo sau đó là Năm Bảy Bảy (6,6%), Vincom Retail (5,2%),…
Ở vị trí cuối bảng của chỉ số ROA trong 9 tháng 2019 tiếp tục là Công ty của tỷ phú Trinh Văn Quyết – Tập đoàn FLC chỉ đạt 0,2%.
Năm Bảy Bảy và Hà Đô tiếp tục có tỷ lệ tăng trưởng chỉ số ROA cao nhất, lần lượt ghi nhận tăng 366% và 268%. Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng lọt top doanh nghiệp tăng trưởng ROA khá cao, hơn 113%.