Từ xuất khẩu lao động đến 'ông lớn' đa ngành: TMS Group đi tới đâu dính ‘phốt’ tới đó?
"Vết đen" trong lĩnh vực cung ứng nguồn nhân lực
Như báo Người Hà Nội từng đưa tin, CTCP TMS Nhân lực (thuộc TMS Group) được thành lập với mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, họ đã vướng nhiều lùm xùm, thậm chí bị người lao động “tố cáo” thu phí cọc vượt gần gấp đôi quy định; hay người lao động rơi vào cảnh “bơ vơ xứ người” khi những thông tin phía TMS cung cấp hoàn toàn trái ngược so với thực tế.
Theo đó, báo Người Hà Nội đăng tải thông tin liên quan đến lao động tên K. (ở Nhật Bản) tố cáo CTCP TMS Nhân lực về việc giới thiệu người lao động sang Nhật Bản nhưng không nói rõ tình hình kinh doanh nơi họ làm việc. Để sau đó, công ty này phá sản, người lao động rơi vào cảnh bơ vơ.
Biên lai thu tiền (bản gốc) vượt quy định của Nhà nước căn cứ theo Thông tư 21, 22 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
Cũng theo báo Người Hà Nội, anh K. và một số lao động đi xuất khẩu qua công ty TMS Nhân lực cũng rơi vào hoàn cảnh bị thu phí cọc quá cao so với quy định. Thời điểm đó, để làm rõ sự việc trên, Báo Người Hà Nội dẫn lời bà Trần Thị Vân Hà – Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) cho biết, theo quy định của Nhà nước, các doanh nghiệp có thể thu tiền đặt cọc (tiền chống trốn) của người lao động tối đa quy ra tiền VNĐ là khoảng 60 triệu đồng. Như vậy, nếu theo biên lai thu tiền, doanh nghiệp này đã thu của người lao động tới 107 triệu VNĐ là đã có dấu hiệu thu vượt tiền quy định của nhà nước.
Trên con đường từ một doanh nghiệp nhỏ về xuất khẩu lao động đến Tập đoàn đa ngành chắc hẳn TMS đã để lại phía sau không ít... nạn nhân là những phận người cơ cực? Nhiều người cho rằng, dòng vốn khởi nguồn từ xuất khẩu lao động đó sẽ nhanh chóng được gột rửa khi chảy qua một số lĩnh vực khác như bất động sản, giáo dục...
Mới đây, theo thông tin trên website, TMS Group cho biết đã thoái vốn hoàn toàn trong lĩnh vực cung ứng nhân lực, thay vào đó là tập trung hoạt động đa ngành. Thế nhưng, liệu trong lĩnh vực mà doanh nghiệp này cho rằng sẽ là “hướng đi của những tập đoàn bản lĩnh” có thực sự trong sạch?
Dự án lớn đắp chiếu, dự án nhỏ “vướng” sai phạm
TMS Group vẫn nhấn mạnh việc đặt trọng tâm vào lĩnh vực bất động sản, kiến tạo nên một hệ sinh thái phát triển xung quanh chuỗi các dự án quy mô lớn của mình. Tuy nhiên, từ khi “lấn sân” vào bất động sản với việc thành lập CTCP TMS Bất động sản (TMS Land) năm 2017 số dự án doanh nghiệp này hoàn thành khá khiêm tốn. Hai dự án được xem là lớn nhất của TMS Land từ khi gia nhập thị trường địa ốc là TMS Grand City Phúc Yên (TMS Đầm Cói) rộng gần 200ha và TMS Land Hùng Vương, rộng 18,5ha.
Tuy nhiên, trong hai dự án được tỉnh Vĩnh Phúc giao, TMS Land mới triển khai dự án TMS City Phúc Yên với diện tích quy mô 18,5ha, tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng. Còn lại “siêu dự án” TMS Đầm Cói trị giá 5.000 tỷ đồng vẫn bỏ hoang từ ngày được phê duyệt dự án đến nay.
Phối cảnh dự án TMS City Phúc Yên.
Về TMS City Phúc Yên, hồi tháng 4/2018, báo chí cũng phản ánh về thông tin dự án "bán lúa non". Cụ thể, thời điểm đó, dù mới mở bán được khoảng 10 ngày, nhưng theo các môi giới, nhiều lô liền kề đã có mức chênh từ 100-200 triệu đồng/lô. Đáng chú ý, tại thời điểm trên, công trường gần như không có công nhân, một phần dự án mới đang được đổ đất, san lấp mặt bằng. Toàn bộ dự án chưa có hạ tầng đường xá, điện nước... Thậm chí, một số khu vực còn chưa giải phóng xong mặt bằng.
Theo hồ sơ pháp lý được các nhân viên môi giới cung cấp, khách hàng mua dự án sẽ ký hợp đồng góp vốn. Tiến độ góp chia thành 5 đợt, đợt đầu đóng 25%, 2 tháng sau đóng tiếp đợt 2 là 10%. Hợp đồng góp vốn này sẽ không trả khách hàng bằng lãi suất mà sau khi ký xong hợp đồng góp vốn sẽ có thêm 1 hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, trong đó có điều khoản là góp vốn để được hưởng quyền mua căn hộ.
Về dự án TMS Đầm Cói nằm trên địa bàn phường Hội Hợp, TP.Vĩnh Yên và xã Đồng Cương, huyện Yên Lạc được tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư, phê duyệt địa điểm từ năm 2011. Theo quy hoạch, dự án tọa lạc trên khuôn viên hơn 200ha, bao quanh Đầm Cói có diện tích mặt nước lên đến 70ha. Điều đáng nói, mặc dù có vị trí đẹp, hấp dẫn bởi yếu tố cảnh quan thiên nhiên, song sau gần 10 năm, đất dự án vẫn đang bỏ không, dù theo cam kết của nhà đầu tư, công trình sẽ được khởi công xây dựng vào quý I năm 2011, dự kiến hoàn thiện sau đó 1 năm.
Dự án lớn là vậy, những dự án nhỏ hơn của TMS Group như: TMS Land Hùng Vương hay TMS Luxury Hotel Đà Nẵng cũng vướng sai phạm. Cụ thể, quá trình thẩm định thiết kế cơ sở Dự án đầu tư xây dựng Hạ tầng kỹ thuật Khu nhà ở TMS Land Hùng Vương, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đã chỉ ra nhiều sai phạm trong việc thiết kế hồ sơ cơ sở đề xuất kết cấu áo đường loại 1 chưa phù hợp với tiêu chuẩn… Còn dự án TMS Luxury Hotel Đà Nẵng từ khi thi công xây dựng đến khi hoàn thiện liên tiếp bị cơ quan chức năng xử phạt về hành vi xả thải bức tử môi trường.
Dù vướng nhiều sai phạm tại dự án bất động sản, khách sạn nghỉ dưỡng nhưng TMS Group vẫn nuôi tham vọng kiến tạo vòng tròn hệ sinh thái đẳng cấp bằng việc đầu tư đa ngành, trong đó bất động sản vẫn là trọng tâm. Hay mới đây, doanh nghiệp này muốn làm dự án “khủng” ở Quảng Ninh?
Giới đầu tư bất động sản tỏ ra e ngại khi không rõ năng lực thật sự của TMS Group ra sao? Liệu doanh nghiệp có “vẽ ra viễn tưởng đẹp” để thu hút khách hàng?