Thống đốc: 'Có doanh nghiệp BĐS làm cùng lúc 50 dự án thì tháo gỡ khó khăn thế nào?'
Phát biểu kết luận tại hội nghị tín dụng bất động sản diễn ra sáng nay (8/2), Thống đốc nêu 5 thông điệp gửi tới cộng đồng doanh nghiệp bất động sản.
Thứ nhất, doanh nghiệp hoạt động trong môi trường kinh tế vĩ mô chung. Nếu kinh tế vĩ mô bất ổn thì doanh nghiệp gặp khó khăn, chắc chắn khi đó các cơ quan quản lý sẽ phải áp dụng chính sách kinh tế vĩ mô, đôi khi chính sách này sẽ ảnh hưởng đối với hoạt động doanh nghiệp, đó là sự đánh đổi.
Thống đốc cho biết tại các nước, bản thân doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có quy mô lớn sẽ có bộ phận thường xuyên theo dõi diễn biến kinh tế vĩ mô và có dự báo, đánh giá trước các xu hướng về tình hình thế giới, trong nước và xu hướng các chính sách của Chính phủ để chủ động điều chỉnh đầu tư kinh doanh của mình. Nếu như các doanh nghiệp ở ta cũng làm như doanh nghiệp nước ngoài thì sẽ không bị động nhiều trong sản xuất kinh doanh của mình.
"Chúng tôi rất mong bản thân các doanh nghiệp cần phải có chủ động trong vấn đề này", Thống đốc nói và cho biết "trong một cuộc họp, lãnh đạo Bộ Xây dựng nói có doanh nghiệp hiện đang ngồi đây triển khai cùng một lúc trên 50 dự án liền. Tôi không hiểu nếu đồng thời triển khai mấy chục dự án thì khi khó khăn có chủ động được hay không, và giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn cho tất cả dự án đó?", bà Hồng nêu vấn đề.
Do đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị khi xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp cần phải thận trọng, phải có kế hoạch để có sự chủ động của mình.
Thứ hai, Thống đốc mong muốn doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình, dù doanh nghiệp lớn hay doanh nghiệp nhỏ hay cá nhân, đặc biệt doanh nghiệp có hệ số đòn bẩy tài chính cao thì các doanh nghiệp cần hết sức chú trọng quản trị dòng tiền của mình.
Có doanh nghiệp có rất nhiều dự án, nhiều tài sản lớn nhưng chỉ vào một thời khắc cần tiền lại rất khó xoay, bởi ra bán một dự án bất động sản không hề dễ, nó phụ thuộc người mua, thủ tục pháp lý, thủ tục hành chính không thể có ngay được thanh khoản. Chính vì vậy, các doanh nghiệp phải xác định quản trị dòng tiền cần bài bản, có dự báo thì mới chủ động.
Thống đốc lấy ví dụ 1 cá nhân đi vay 10 người và cùng một lúc 10 người đến đòi nợ thì cá nhân cũng rơi vào khó khăn chứ đừng nói đến một doanh nghiệp triển khai nhiều dự án lớn cùng lúc. Hay bản thân các ngân hàng cũng vậy, trong hoạt động ngân hàng cần đảm bảo làm sao khi người dân đến rút tiền cần có ngay, cũng phải quản trị tốt.
Thứ ba, các giải pháp tháo gỡ từ các bộ ngành, cơ quan quản lý đã nêu nhưng bản thân các doanh nghiệp cần phải có giải pháp đẩy mạnh, cơ cấu quản trị lại, cân đối giữa mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, khả năng tiêu thụ sản phẩm để có điều chỉnh phù hợp để có khả năng trả nợ ngân hàng.
Thứ tư, nâng cao năng lực tài chính để đa dạng hoá khả năng huy động vốn từ nhiều nguồn vốn khác, giảm sự phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng, nhất là vốn trung – dài hạn. Nếu như phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng, trong trường hợp lạm phát rất cao, chính sách tiền tệ thắt chặt thì doanh nghiệp gặp khó khăn.
Thứ năm, Chính phủ rất quan tâm đến việc hướng tín dụng vào bất động sản vào nhà ở giá rẻ, nhà cho công nhân, nhà ở xã hội… mong các doanh nghiệp tích cực tham gia triển khai.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết cuộc họp tín dụng bất động sản hôm nay là đầu vào quan trọng cho Hội nghị tháo gỡ thị trường bất động sản mà Bộ Xây dựng đang chuẩn bị để Thủ tướng chủ trì trong thời gian tới.