Thị trường căn hộ dịch vụ quý III: Giá thuê không ngừng lao dốc
Căn hộ dịch vụ: Giá chào thuê không ngừng giảm ở Hà Nội và TP. HCM
Sự bùng phát dịch Covid trong quý III/2021 đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành, nghề bị đình trệ, đứt gãy chuỗi cung ứng, buộc phải “đóng băng”, cắt giảm nhân sự. Việc thực hiện giãn cách xã hội lâu dài ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành đã làm thị trường bất động sản có độ chững, cả về nguồn cung và cầu.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, khu vực có đợt bùng dịch rộng nhất và tổn thất nặng nề nhất, giá chào thuê trung bình của căn hộ dịch vụ không ngừng giảm xuống, mặc dù giá chào thuê trung bình năm ngoái cũng đã giảm tới 30%. Theo Colliers, giá chào thuê trung bình ở phân khúc hạng A khoảng 26,7 USD/m2/tháng, còn hạng B là 25 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy giảm từ 10% - 20% so với quý trước ở cả hai phân khúc.
Tình hình này cũng xảy ra tương tự tại Hà Nội khi giá chào thuê trung bình ở hai phân khúc đều giảm khoảng 10%, ở hạng A còn 6 - 8 USD/m2/tháng và hạng B còn 3 - 5 USD/m2/tháng. Tỷ lệ lấp đầy giảm từ 15% - 25% dù tình hình dịch bệnh ở Hà Nội được kiểm soát tốt hơn trong Thành phố Hồ Chí Minh.
Khách thuê chủ yếu là khách lưu trú dài hạn và không có khách thuê ngắn ngày mới do việc đi lại giữa các tỉnh thành là cực kỳ khó khăn. Nhiều tòa căn hộ dịch vụ đã ngừng nhận khách mới từ quý trước để phòng chống dịch và nhiều khách thuê người nước ngoài đã trả phòng để quay về nước hoặc chuyển sang tòa căn hộ dịch vụ thấp cấp hơn để tiết kiệm chi phí do bị giảm thu nhập trong mùa dịch.
Trong giai đoạn này, tình hình nguồn cung không có nhiều biến động. Các dự án hiện tại vẫn đang trong tình trạng “nằm im” trên giấy hoặc dừng thi công. Ở TP. Hồ Chí Minh, các dự án căn hộ dịch vụ hoàn toàn im ắng do phải kéo dài thời gian thi công. Dự kiến nguồn cung trong tương lai trong 4 năm tới sẽ thêm vào thành phố khoảng 1.300 căn hộ.
Tại Hà Nội, tình hình đầu tư vào các dự án căn hộ dịch vụ khả quan hơn. Các dự án tiêu biểu là Gateway Tower thuộc phân khu Sapphire 2 tại Vinhomes Smart City (Nam Từ Liêm, Hà Nội), dự án Somerset Metropolitan West Hanoi ở phía Tây Hà Nội gồm 364 căn được CapitaLand mua lại và dự án căn hộ dịch vụ The Heaven nằm trong khu đô thị Starlake Hà Nội với 317 căn hộ cao cấp sẽ ra mắt trong vài năm tới.
Mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng mang lại sự lạc quan cho lĩnh vực này, khi các chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc sẽ giúp tăng nhu cầu thuê căn hộ dịch vụ. Tính đến ngày 20/9, FDI 9 tháng đầu năm đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI).
Chung cư đẩy tiêu thụ hàng tồn kho
Do ảnh hưởng dịch bệnh, các dự án bị kéo dài thi công, nguồn cung căn hộ dành cho các cư dân chủ yếu đến từ “hàng tồn kho” của những dự án trước.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nguồn cung chủ yếu tập trung ở phân khúc trung cấp, đến từ các quận ngoại thành như Bình Chánh (dự án West Gate, Uni Park...), huyện Nhà Bè (dự án Celesta Rise, ZeitGeist Nhà Bè...) hoặc quận Thủ Đức (với số lượng lớn căn hộ từ Vinhomes Grand).
Tại Hà Nội, trong quý III/2021, nguồn cung chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó, nằm rải rác ở các quận như; Nam Từ Liêm (Vinhomes Smart City, Masteri West Height…), Bắc Từ Liêm (Sunshine Diamond River, Sunshine Golden River…) Giai đoạn vừa qua, ở thị trường Hà Nội, các dự án cũng dần chuyển hướng, chú trọng hơn vào việc đáp ứng nhu cầu khách hàng, bổ sung thêm tiện ích và tính năng để có thể đẩy mức giá lên so với các sản phẩm cùng phân khúc song không quá nhiều.