Soi tiềm lực 'ông trùm' nhà ở xã hội BIC Việt Nam
Ồn ào dự án Rice City Tố Hữu
Được thành lập vào năm 2007, Công ty cổ phần BIC Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, kinh doanh bất động sản, lập dự án các công trình xây dựng dân dụng…
Lựa chọn phân khúc nhà ở xã hội song song với phát triển nhà thương mại là định hướng lâu dài của BIC Việt Nam. Trong đó, nổi bật với các dự án mang thương hiệu Rainbow cho nhà ở thương mại và Rive City đối với nhà ở xã hội.
Các dự án nhà ở xã hội do BIC Việt Nam đầu tư thực hiện thường nằm ở các vị trí đắc địa, được hưởng lợi từ hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối thuận tiện nhiều tiện ích như: trung tâm thương mại, trường học, công viên…
Một số các dự án nhà ở xã hội do BIC Việt Nam đầu tư đưa vào sử dụng như: tòa nhà Rice City Linh Đàm với 736 căn hộ, Rice City Sông Hồng, Rice City Trung Văn, Rice City Long Biên, NHS Phương Canh. Hiện doanh nghiệp này cũng đang tiếp tục triển khai 3 dự án nhà ở xã hội mới là: Rice City Thượng Thanh, Rice City Thạch Bàn và Rice City Tố Hữu.
Nhà ở xã hội Rice City Tố Hữu là dự án mới nhất của chủ đầu tư BIC Việt Nam sau các dự án nhà ở xã hội chất lượng cao: Rice City Linh Đàm, Rice City Sông Hồng.
Thời gian gần đây thông tin về dự án nhà ở xã hội Rice City Tố Hữu đang được “cò” rao bán với mức giá từ 19 triệu đồng/m2 mặc dù vẫn là khu đất trống nhận được sự quan tâm từ dư luận. Thậm chí một số website về bất động sản còn đưa ra thông tin giá bán căn hộ tại đây dao động từ khoảng 18 đến 22 triệu đồng/m2, tùy thuộc vào loại căn hộ, tầng, vị trí và hướng nhìn.
Liên quan tới dự án nhà ở xã hội Rice City Tố Hữu, đại diện phường Trung Văn cho biết: “Không rõ chủ đầu tư đã làm thủ tục gì chưa, còn hiện tại chưa thấy chủ đầu tư gửi hồ sơ qua phường”.
BIC Việt Nam đang kinh doanh ra sao?
Theo báo cáo tài chính năm 2022, BIC Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 65,2 tỷ đồng, tăng gần 123% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 37,7 tỷ đồng, tăng 211,6% so với năm 2021.
Năm 2022, BIC Việt Nam kiểm soát tốt chi phí bán hàng khi giảm tới 48% so với năm trước, xuống còn 550 triệu đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty tăng 27,7% so với năm trước. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đạt 28,1 tỷ đồng, tăng gấp 7,2 lần so với năm 2021.
Kết thúc năm 2022, BIC Việt Nam ghi nhận lãi ròng hơn 22,8 tỷ đồng, tăng 578,8% so với năm 2021.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2022, tổng cộng tài sản của BIC Việt Nam là gần 1.107 tỷ đồng, tăng 11,3% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn gần 198 tỷ đồng và tài sản dài hạn gần 909 tỷ đồng.
Ở phần tài sản ngắn hạn, BIC Việt Nam có 29,5 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền; hơn 29,3 tỷ đồng phải thu ngắn hạn của khách hàng; hơn 78,6 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác… Công ty còn có 75 tỷ đồng phải thu dài hạn khác. Hàng tồn kho của BIC Việt Nam tính đến ngày 31/12/2022 là hơn 6 tỷ đồng, giảm 55% so với đầu năm.
Tại ngày 31/12/2022, tổng cộng nguồn vốn của BIC Việt Nam là 1.107 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả hơn 578 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 528,6 tỷ đồng.
Chiếm phần lớn nợ ngắn hạn của BIC Việt Nam là phải trả người bán ngắn hạn hơn 175 tỷ đồng; phải trả ngắn hạn khác hơn 12,2 tỷ đồng. Đối với nợ dài hạn, chiếm phần lớn là vay nợ thuê tài chính dài hạn gần 135 tỷ đồng và doanh thu chưa thực hiện dài hạn gần 161 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2022, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của BIC Việt Nam là gần 8,9 tỷ đồng, trong khi hồi cuối năm 2021 là âm gần 15,9 tỷ đồng.