Sau đơn kêu cứu, Novaland đề xuất hai phương án "tự giải thoát" chính mình
Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có “Báo cáo các dự án bị vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản” tổng hợp các ý kiến, kiến nghị, đề xuất của nhiều "ông lớn" ngành bất động sản trước cuộc đối thoại với Chủ tịch UBND TPHCM vào sáng 22/2. Đáng chú, Tập đoàn Novaland đưa ra hai phương án để tự giải cứu mình trước tình hình khó khăn hiện nay.
Theo đó, Tập đoàn Novaland cho biết, hiện tập đoàn này đã và đang đóng góp vào quá trình chỉnh trang đô thị TPHCM với 40 dự án hiện diện; 5 dự án quy mô hàng ngàn héc ta đang phát triển tại các tỉnh thành lân cận bao gồm đô thị vệ tinh Đồng Nai và các tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí tại Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, Phan Thiết (Bình Thuận), Cam Ranh (Khánh Hòa)…
Phía Tập đoàn này cho biết, đang gặp khó khăn vướng mắc trong các chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai. Đây không là vấn đề chỉ riêng của Novaland gặp phải, mà là vấn đề chung của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh (quận 2) mà chủ tịch Novaland vừa viết đơn kêu cứu đúng ngày mùng 1 Tết
Theo Novaland, thời gian qua các cấp, ngành đã nỗ lực hỗ trợ và tháo gỡ vướng mắc tại một số dự án đang phát triển, gồm: Dự án Khu chung cư Cô Giang (số 100 Cô Giang, phường Cô Giang, quận 1) đã được UBND TPHCM giao đất, Sở Xây dựng cấp phép xây dựng.
Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, officetel và căn hộ (số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4) đã được UBND TP.HCM - Sở Tài nguyên và Môi trường duyệt giá tiền sử dụng đất của dự án.
Dự án Khu cao ốc căn hộ thương mại tại phường Thảo Điền (quận 2) và dự án Cao ốc Thương mại - căn hộ tại số 1W Điện Biên Phủ (phường 25, quận Bình Thạnh) đã được Sở Tài nguyên và Môi trường chấp thuận cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân.
Ngoài ra, dự án Khu chung cư cao tầng tại số 67 Mai Chí Thọ (phường An Phú, quận 2) và 7 dự án tại khu vực quận Phú Nhuận cũng đang được Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở ngành xem xét định giá tiền sử dụng đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất cho người dân…
Đối với dự án 30,2ha tại phường Bình Khánh (quận 2) các Bộ, ngành Trung ương đang rà soát lại các thủ tục pháp lý dự án chung với Thủ Thiêm. Song song đó, các Sở ngành tại TP.HCM vẫn đã và đang rất nỗ lực tìm kiếm, đề xuất các giải pháp báo cáo Bộ, ngành Trung ương, Chính phủ để sớm có hướng thực thi nghiêm túc.
Trước tình hình đó, Novaland đã đề xuất 2 phương án để thực hiện dự án tại phường Bình Khánh (quận 2) gồm:
Phương án 1: Được giao tiếp tục triển khai phần dự án đã hoàn thành thi công là Lô D07 và phần dự án đã hoàn thành thi công phần móng như D02-D06, D08-D10; đối với phần dự án chưa triển khai thi công là Lô D01 & các hạng mục Thương mại dịch vụ sẽ bàn giao lại để cơ quan ban ngành tiến hành đấu giá.
Phương án 2: được tiếp tục thực hiện toàn bộ dự án với chức năng nhà ở tái định cư theo các hồ sơ pháp lý đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, Novaland cũng kiến nghị cần xem xét những yêu cầu khác. Cụ thể, một số công ty thành viên trực thuộc Tập đoàn Novaland đang quản lý sử dụng các khu đất theo hợp đồng thuê đất.
Tuy nhiên khi thực hiện các thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch chung đã được phê duyệt, các Sở ngành còn phân vân trong việc giải quyết hồ sơ do chưa có hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình này.
Sau cùng, Novaland mong muốn thúc đẩy sự phát triển của thị trường bất động sản trước những khó khăn thách thức hiện nay và tin tưởng rằng các cơ quan nhà nước liên quan cũng như Chính phủ sẽ cùng đồng hành với doanh nghiệp, sớm đưa ra các hướng dẫn, chỉ đạo để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc hiện tại.
Novaland cũng đề nghị cho phép chủ đầu tư được nhanh chóng tiếp tục triển khai dự án nhằm giúp bổ sung nguồn cung cho thị trường bất động sản, đáp ứng nhu cầu nhà ở và đầu tư của người dân...