Rốt ráo chuẩn bị mặt bằng cho cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021 - 2025
Giải phóng mặt bằng như thế nào?
Theo rà soát của Bộ GTVT, tổng diện tích đất để thực hiện đầu tư xây dựng dự án khoảng 5.481ha, kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng khoảng 19.097 tỷ đồng, gồm giải phóng mặt bằng từ mép ngoài cùng chân taluy (giai đoạn quy hoạch) với khoảng cách 3m đối với các đoạn không bố trí đường gom và 1m đối với các đoạn có bố trí đường gom đối với các diện tích đất trồng lúa 2 vụ khoảng 1.532ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1.280ha, đất dân cư khoảng 502ha, rừng phòng hộ khoảng 110ha, rừng sản xuất khoảng 1.436ha, đất khác khoảng 621 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.983 hộ, số hộ tái định cư khoảng 11.905 hộ.
Cao tốc thành phần Nghi Sơn - Diễn Châu đã thành hình cho thấy mặt bằng sạch sớm được bàn giao sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công.
Cao tốc Bắc Nam có 12 dự án thành phần, dài khoảng 729 km đi qua 12 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang, Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau. Dự kiến công tác chuẩn bị dự án thực hiện trong năm 2021 - 2022; giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 - 2023; khởi công giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Công tác cắm mốc bàn giao mặt bằng sạch sớm cho các dự án quyết định tiến độ thi công.
Từ đầu năm đến nay, trong lúc nhiều dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017 - 2020) đã cơ bản được giao mặt bằng sạch để bứt tốc về đích, Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban Quản lý dự án (BQLDA), chủ đầu tư tập trung khảo sát, cắm mốc mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2021-2025.
Công tác nổ mìn xác định mốc chiều cao mặt đường cao tốc có vai trò quan trọng trong quá trình thi công.
Để đáp ứng tiến độ nêu tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ ban hành ngày 11/2/2022, ba mốc thời gian bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng được Bộ GTVT ấn định gồm: Đợt 1 trước ngày 15/3/2022; đợt 2 trước ngày 30/4/2022 và đợt ba hoàn thành các đoạn còn lại trước ngày 30/6/2022.
Tăng tốc Giải phóng mặt bằng
Theo đại diện các BQLDA, đến thời điểm này, công tác khảo sát địa hình chi tiết các đoạn tuyến được triển khai với 2 mũi, tiến độ 2,5 km/ngày. Cụ thể, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dự kiến đến ngày 15/3 bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng đợt 1 khoảng 7,8 km, đợt 2 phấn đấu hoàn thành hơn 27 km còn lại; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng bàn giao khoảng 9,8 km, đợt 2 phấn đấu hoàn thành 44 km còn lại; đoạn Vũng Áng - Bùng và Bùng - Vạn Ninh sẽ bàn giao được khoảng 12 km/dự án; đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn sẽ bàn giao 20 km, đợt 2 bàn giao cọc 68 km...
Việc sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các dự án sẽ góp phần đảm bảo xây dựng nhanh đường găng phục vụ thi công tại dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt.
Đại diện BQLDA 7 chia sẻ, các gói thầu đang tập trung bàn giao hồ sơ cắm cọc giải phóng mặt bằng cho 2 dự án thành phần được giao là dự án Vân Phong - Nha Trang dài 84 km. Hiện nay, Ban đã khảo sát tuyến đạt 70/84 km (83%) gồm 7 mũi khảo sát, tiến độ 7 km/ngày.
Dự kiến, trong đợt 1 sẽ bàn giao hồ sơ cọc giải phóng mặt bằng 8 km, đợt 2 khoảng 58,5 km trên 9 đoạn tuyến và đợt cuối là 16,5 km trên 3 đoạn tuyến còn lại. Với dự án Chí Thạnh - Vân Phong dài khoảng 49,52 km, giai đoạn 1 sẽ bàn giao hồ sơ cọc giải phóng mặt bằng cho địa phương từ Km18 - Km28 và từ Km38 - Km42, giai đoạn 2 từ Km28 - Km33, Km33 - Km38, Km0 - Km6 và Km11-Km12...
Tại cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, có mặt bằng, các nhà thầu sẽ triển khai nhanh đồng loạt các hạng mục lu lèn, gia tải nền mặt đường.
Qua tìm hiểu kết quả giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng sạch làm ảnh hưởng tiến độ chậm chủ yếu là do vấn đề quản lý đất đai, đặc biệt là nguồn gốc đất tại các địa phương thiếu chặt chẽ, khó áp đơn giá đền bù, chính sách hỗ trợ chưa thỏa đáng với người dân...
Vì vậy, trong giai đoạn II, các vướng mắc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ GTVT (đại diện là các BQLDA) với các địa phương, nhất là công tác bàn giao hồ sơ cắm cọc, giải phóng mặt bằng từ sớm; đồng thời, rà soát ngay nguồn gốc, chủ sở hữu đất để xác định thửa đất nào có nguồn gốc đất rõ ràng, thửa nào chưa, thửa nào có vấn đề phức tạp để kịp thời tổ chức họp các cấp, xây dựng giải pháp, cơ chế tháo gỡ...
Công tác xử lý nền đất yếu cũng có vai trò quan trọng quyết định tiến độ cán đích các dự án cao tốc Bắc Nam.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Ngô Trí Long, nút thắt trong giải phóng mặt bằng ngoài vấn đề giá đền bù chưa hợp lý còn là việc bố trí tái định cư. Mặc dù Chính phủ cho phép chỉ định thầu, rút ngắn thời gian xây dựng công trình tái định cư, song khu vực tái định cư cần phải đảm bảo bằng hoặc hơn nơi ở cũ của người dân mới đạt được sự đồng thuận cao.
Còn theo thống kê của Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT), tại 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn I đang thi công, phần mặt bằng còn lại chưa bàn giao khoảng 0,353/652,86 km, dự kiến hoàn thành trong tháng 3/2022.