Quốc hội sẽ cho ý kiến về đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc - Nam
Tờ trình lần này, Chính phủ đã tiếp thu, giải trình kết luận của Chủ tịch QH, Ủy ban Thường vụ QH và một số đại biểu QH.
Theo đó, Chính phủ kiến nghị QH quyết định chủ trương đầu tư dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 từ Hà Tĩnh (Bãi Vọt) đến Quảng Trị (Cam Lộ), từ Quảng Ngãi đến Nha Trang (Khánh Hòa), từ Cần Thơ đến Cà Mau dài khoảng 729 km, chia thành 12 dự án thành phần. Tất cả dự án thành phần triển khai theo hình thức đầu tư công.
Sau khi hoàn thành sẽ nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn nhà nước.
Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 5.481 ha, trong đó đất trồng lúa hai vụ khoảng 1.532 ha, rừng phòng hộ khoảng 110 ha, rừng sản xuất khoảng 1.436 ha. Giải phóng mặt bằng tất cả dự án theo quy mô sáu làn xe, các dự án thành phần trên đoạn Cần Thơ - Cà Mau theo quy mô bốn làn xe như quy hoạch đã được phê duyệt.
Tổng mức đầu tư sơ bộ của dự án là 146.990 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây dựng và thiết bị 95.800 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.000 tỷ đồng (khoảng 14.983 hộ dân bị ảnh hưởng); chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 12.000 tỷ đồng; chi phí dự phòng 20.000 tỷ đồng.
Điểm đáng chú ý trong tờ trình lần này là việc Chính phủ đề xuất Bộ GTVT là đầu mối tổ chức thực hiện đầu tư dự án, trừ các dự án trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có đề xuất riêng, thay vì đề xuất giao cho các tỉnh đầu tư như ba tờ trình trước đây. Chính phủ cam kết nếu được QH thông qua, dự án sẽ được khởi công năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Lý giải nguyên nhân vì sao đề xuất đầu tư công 12 dự án trên, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết dự án ban đầu được nghiên cứu đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy đầu tư phương thức này “rất khó đảm bảo thành công”.
Dẫn chứng cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 (2017-2020), ông Thể cho biết các dự án đầu tư công đều đáp ứng tiến độ nhưng cả ba dự án đầu tư theo hình thức PPP đến nay mới có một dự án huy động được vốn tín dụng, hai dự án vẫn đang quá trình đàm phán.
“Nếu giai đoạn 2 dự án tiếp tục triển khai theo hình thức PPP, có thể phát sinh các tình huống không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai, phải báo cáo cấp có thẩm quyền chuyển đổi sang đầu tư công, sẽ gây chậm tiến độ…” - ông Thể lý giải.
Theo dự kiến chương trình kỳ họp bất thường lần thứ nhất QH khóa XV, ngày 6-1-2022, dự án này sẽ được QH cho ý kiến và thông qua vào ngày 11/1 tới đây.