Nhiều quan ngại về các dự án điện gió ngoài khơi tỷ đô
Một số trường hợp có quy mô đáng chú ý (công suất, mức đầu tư, diện tích khảo sát và sử dụng) gồm: Điện gió ngoài khơi tại xã Hòa Thắng (2.000ha, 2 tỷ USD, 1.000MWP); điện gió ngoài khơi Tuy Phong (4.600MW, khoảng 50.000ha, khoảng 368.800 tỷ đồng); điện gió ngoài khơi Thang Long Wind ngoài khơi mũi Kê Gà (diện tích trên 2.000km2, công suất 3.400MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD).
Dự án điện gió ngoài khơi Tuy Phong do Tập đoàn Orsted Taiwan Limited đề xuất, có tổng công suất dự kiến 4.600MW, gồm 3 giai đoạn (hoàn thành lần lượt vào các năm 2029, 2032 và 2034).
Với sản lượng điện phát lên lưới khoảng 20.148GWh/năm, dự án đòi hỏi khảo sát trên vùng biển khoảng 50.000ha, trong đó, diện tích sử dụng đất và mặt nước có thời hạn khoảng 1.200ha.
Tổng mức đầu tư khoảng 368.800 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 110.650 tỷ đồng (còn lại là huy động từ tập đoàn mẹ và các tập đoàn thành viên).
Đề xuất này vừa gửi tới các sở ngành, UBND tỉnh Bình Thuận để lấy ý kiến. Tuy nhiên, trước đó, một số lo ngại từ giới chức địa phương đã xuất hiện.
Thứ nhất, công suất đề xuất cho dự án (4.600MW) là quá lớn, trong khi khả năng đưa vào quy hoạch quốc gia là không lớn, nhất là giai đoạn đến năm 2030 hiện nay đang dự thảo (3GW), số lượng và tổng công suất các dự án điện gió ngoài khơi đang đề xuất của cả nước là rất lớn. Do vậy, đề nghị nhà đầu tư và đơn vị tư vấn tính toán công suất, phân giai đoạn và có đề xuất phù hợp.
Thứ hai, vùng đề xuất quy hoạch là nơi gần nhất cách khu bảo tồn biển Hòn Cau khoảng 8 hải lý; có đa dạng sinh học biển khá cao; thuộc vùng đánh bắt bờ và lộng của ngư dân. Hiện chưa có quy định về đền bù đối với lĩnh vực điện gió ngoài khơi.
Ngoài ra, khu vực đề xuất lập trạm biến áp 500kV và đường dây 500kV chưa phù hợp với hiện trạng đất đai địa phương. Khu vực đề xuất dự án chồng lấn với các dự án điện gió ngoài khơi đã đề xuất, đăng ký đầu tư như: Bình Thuận (Công ty TNHH Xuân Thiện – Ninh Bình), Biển Cổ Thạch (Công ty CP đầu tư HLP), ...
Dự án điện gió trên biển (do Công ty CP Đầu tư Xây dựng Đắk Nông đề xuất) tại xã Hòa Thắng, huyện Bắc Bình với diện tích mặt nước sử dụng 2.000ha (vị trí gần nhất của vùng dự án khi thực hiện đầu tư xây dựng cách bờ biển khoảng 1km), công suất dự kiến 1.000MWP, tổng mức đầu tư dự kiến 2 tỷ USD.
Về vùng vị trí dự án xin khảo sát, đơn vị phụ trách nông nghiệp và phát triển nông thôn sở tại nhận định: hoạt động của dự án sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến bảo vệ nguồn lợi hải sản của xã Hòa Thắng.
Điện gió ngoài khơi Thang Long Wind với công suất 3.400MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỷ USD, có vị trí cách mũi Kê Gà từ 20 – 50km, do Tập đoàn Enterprize Energy (Anh) đề xuất triển khai. Đây là dự án duy nhất được Thủ tướng cho phép nhà đầu tư nghiên cứu khảo sát (vào tháng 1/2019).
Theo dự kiến, giai đoạn 1 của ThangLong Wind sẽ được hòa lưới điện vào cuối năm 2022, đầu 2023 với công suất 600MW và 64 cột gió. Giai đoạn phát triển tiếp theo ThangLong Wind II, ThangLong Wind III, ThangLong Wind IV, ThangLong Wind V lần lượt đưa vào khai thác từ 2023-2026 với công suất mỗi giai đoạn 600MW. Giai đoạn cuối là Thăng Long Wind VI với công suất 400MW.
Đánh giá của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) cho thấy, vị trí dự án chồng lấn với tuyến vận tải thủy ven biển từ Kiên Giang đến Bình Thuận, tuyến vận tải từ bờ ra đảo từ Phan Thiết – Phú Quý.
Bên cạnh đó, tổng công suất các nguồn điện đã có quy hoạch trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận là 15.500MW (không tính LNG Cà Ná) và khoảng 21.500MW (có tính LNG Cà Ná), trong trường hợp xem xét bổ sung điện gió Thăng Long công suất 3.400MW, tổng công suất khu vực này lên đến 24.900MW (chiếm khoảng gần 50% công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam năm 2019).
Do đó, đề án cần xem xét cẩn trọng trong phạm vi lưới điện quốc gia để xác định tiến độ thực hiện đầu tư và phương án đấu nối phù hợp.
Đáng chú ý, theo quyết định của Thủ tướng vào ngày 10/9/2018, giá mua điện của các dự án điện gió trên biển tại điểm giao nhận điện là 2.223 đồng/kWh (tương đương 9,8 Uscent/kWh, chưa gồm VAT), giá mua điện này được áp dụng 20 năm cho các nhà máy điện gió trên biển có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021.
Vì vậy, theo cơ quan này, việc đề nghị áp dụng giá điện 9,8 Uscents/kWh cho dự án với tiến độ vận hành sau năm 2021 là chưa có cơ sở.