‘Nguồn cung thị trường văn phòng Hà Nội đang trải không đồng đều’
Nguồn cung văn phòng tương lai tập trung ở khu vực Tây Hồ
Tại toạ đàm “Nhận diện nhân tố mới trên thị trường văn phòng cho thuê” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy tổ chức chiều 1/11, bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết tại Hà Nội, tổng nguồn cung thị trường văn phòng đang đạt mức trung bình khoảng 1,8 triệu m2 sàn. Mức độ hấp thụ của phân khúc này đang đạt trên 90%.
“Đây là tỷ lệ hấp thụ trung bình khá tốt so với các hạng mục bất động sản khác trên thị trường. Tuy nhiên, nguồn cung thị trường tòa nhà văn phòng đang trải không đồng đều", bà Minh nói.
Bà Minh cho hay nếu như ở TP. HCM, thị trường văn phòng hạng A tập trung chủ yếu ở quận 1, quận 3 và bắt đầu trải dài ở các quận 2, quận Phú Nhuận, quận 7… thì ở Hà Nội, tòa nhà văn phòng hạng A trải dài sang các quận Ba Đình, Đống Đa, sang khu vực Cầu Giấy, Mỹ Đình từ cách đây 10 năm khi Keangnam, Indochina Plaza phát triển ở khu vực phía Tây.
Khu vực Hoàn Kiếm vẫn đang là nơi tập trung các dự án phát triển từ 25 năm trước, khi bắt đầu có các dự án tòa nhà văn phòng được xây dựng chuyên nghiệp ở Hà Nội.
Trong khi đó, bà Minh nhận định nguồn cung trong tương lai đa phần sẽ tập trung ở khu vực dự án Starlake (Tây Hồ). Ngoài ra, nhiều trụ sở cơ quan ban ngành cũng sẽ dịch chuyển dần về khu vực này. Sẽ có khoảng 300.000m2 sàn văn phòng chủ yếu ở phân khúc hạng A và B tập trung ở đây. Riêng khu phía Tây Hà Nội đang được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh nhất trong số các khu vực ở Hà Nội tại thời điểm hiện nay.
"Các tòa tòa nhà phân khúc hạng A ở Hà Nội và TP. HCM hiện nay hoàn toàn có đủ khả năng cạnh tranh cả về chất lượng cũng như quản lý vận hành không khác gì so với các tòa nhà hạng A theo tiêu chuẩn quốc tế ở Thượng Hải, Hồng Kông, Singapore hay châu Âu, châu Mỹ… Đây là điểm rất đáng mừng khi bất động sản Việt Nam đã có các sản phẩm có thể cạnh tranh về chất lượng và đáp ứng được nguồn cầu cho thị trường", bà nhận xét.
Hà Nội có giao dịch diện tích văn phòng trên 5.000m2 sàn
Về nguồn cầu, Giám đốc cho thuê thương mại Savills Hà Nội cho biết từ khi dịch Covid diễn ra, nhiều doanh nghiệp phải thu nhỏ diện tích văn phòng, thậm chí phải đóng cửa. Tuy nhiên, vẫn có những mảng ngành nghề, dịch vụ kinh doanh đang tiếp tục gia tăng phát triển.
Trong số đó, mảng thương mại điện tử, IT, sản xuất phần mềm, xưởng sản xuất... ghi nhận có tốc độ phát triển kinh tế tốt trong 2 năm trở lại đây, kéo theo việc gia tăng nguồn cầu văn phòng ở lĩnh vực này.
“Chúng tôi đã chứng kiến trong thời gian dịch bệnh, vẫn có những doanh nghiệp có thể tăng gấp 2-3 lần lượng nhân sự trong vòng 1 năm, kéo theo nhu cầu mở rộng diện tích thuê văn phòng”, bà Minh thông tin.
Đáng chú ý trong thời gian trước đây, bà Minh tiết lộ diện tích thuê văn phòng ở Hà Nội chỉ đạt trung bình khoảng 300- 500m2 nhưng từ khi các công ty công nghệ thông tin và sản xuất phát triển đã thúc đẩy nguồn cầu của thị trường, nên các giao dịch trung bình đang ở mức trên 1.000m2 sàn. Đặc biệt, Hà Nội bắt đầu chứng kiến giao dịch diện tích văn phòng trên 5.000m2 sàn, trong khi điều này trước đó chỉ ghi nhận ở TP. HCM.
Về giá thuê văn phòng, bà Minh đánh giá khu vực Hoàn Kiếm đang đạt giá thuê cao nhất 40-45 USD/m2 với văn phòng hạng A. Cùng phân khúc này ở khu vực Ba Đình, Đống Đa đang ở mức 35 USD/m2, còn ở phía Tây Hà Nội chỉ 22-25 USD/m2.
Tuy nhiên, chất lượng của các văn phòng hạng A ở phía Tây Hà Nội được xây dựng sau, áp dụng các công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu của những khách thuê, đặc biệt trong mảng sản xuất và công nghệ thông tin. Đây là những lợi thế giúp các tòa nhà xây dựng sau, phát triển ở khu vực mới như: Cầu Giấy, Mỹ Đình có thể cạnh tranh tốt với các tòa nhà văn phòng khác.
Chia sẻ thêm về nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, bà Minh thông tin Hà Nội trong vòng 5 năm trở lại đây rất sôi động với hoạt động M&A mua bán sáp nhập các tòa nhà văn phòng. Rất nhiều dự án tòa nhà văn phòng được bán lại trong những năm gần đây đều có sự góp mặt của các nhà đầu tư nước ngoài và rất ít nhà đầu tư Việt Nam.
Các nhà đầu tư, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore rất coi trọng mảng phát triển thị trường văn phòng ở Hà Nội và TP. HCM. Một trong những nguyên nhân là do các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc tập trung mở trụ sở ở Hà Nội nhiều hơn trong TP. HCM. Trong khi các công ty, tập đoàn đa quốc gia lại chọn TP. HCM để đặt trụ sở.