Doanh nghiệp - Dự án   •   Thứ hai, 30/09/2019, 09:23 AM

Metro số 1 TP HCM lùi tiến độ và những hệ lụy nhãn tiền

Tuyến metro số 1 của TP HCM không thể về đích vào cuối năm 2020, trước khi đưa vào khai thác thương mại vào năm 2021.

Mới đây, TP HCM thông báo tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) không thể hoàn thành vào cuối năm 2020 mà chuyển sang đến quý IV/2021. Mặc dù đây là điều đã được dự đoán từ trước nhưng cũng làm cho người dân khá hụt hẫng. Khi tuyến metro này lỗi hẹn thì sẽ gây ra những hậu quả gì và các bên có liên quan cần phải làm gì để giải quyết.

Tuyến metro số 1 đội vốn từ 17.400 tỷ đồng lên hơn 47.300 tỷ đồng và việc điều chỉnh tổng mức đầu tư đang được hoàn thiện pháp lý và lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính. Đến nay, TP HCM đã phải 3 lần tạm ứng cho tuyến metro số 1 với tổng số tiền hơn 5.000 tỷ đồng.

Hiện ngân sách Trung ương chưa hoàn số tiền này cho TP do chưa có đề án điều chỉnh. Vì nhiều bất cập trong thiết kế, phê duyệt dự án đầu tư, tuyến metro số 1 của TP HCM đã trễ hẹn và không thể về đích vào cuối năm 2020, trước khi đưa vào khai thác thương mại vào năm 2021.

Tuyến metro số 1 TP HCM đoạn đi ngầm từ ga Nhà hát TP tới ga Ba Son.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP (MAUR), hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) theo tiến độ chung dự án thì chậm 4 năm so với kế hoạch ban đầu.

Kỹ sư Phan Hữu Duy Quốc, đại diện liên doanh Shimizu – Meada, phụ trách gói thầu 1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát TP đến ga BaSon) cho biết, hiện nay gói thầu đã thi công được 85% và đang trong giai đoạn hoàn thiện nhà ga. Về vấn đề kinh phí của gói thầu, ông Quốc cho biết tổng thầu đã ứng vốn khoảng 1.000 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu và công nhân nên tư tưởng anh em công nhân không có vấn đề gì.

Theo ông Quốc, nhà thầu vẫn biết khó khăn chung và những nỗ lực của TP HCM trong giải quyết vấn đề vốn nên sẵn sàng chung tay. Tuy nhiên, ông Quốc cũng mong muốn các vấn đề cần phải được giải quyết sớm để lấy lại niềm tin của công nhân, các nhà thầu…

"Trước giờ dự án chỉ trông chờ vào tạm ứng nhưng việc tạm ứng cũng chỉ có giới hạn. Hy vọng là tháng 10 sẽ xong công tác rà soát với đầy đủ ý kiến các Bộ, ngành và trong năm nay, tổng vốn đầu tư điều chỉnh 47.000 tỷ đồng sẽ được phê duyệt, dự án sẽ có kinh phí thanh toán cho các nhà thầu", ông Quốc nói.

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường, Phó Chủ tịch Hội cầu đường cảng TP HCM - thành viên hội đồng thẩm định hai dự án metro TP cho biết, vấn đề đang nằm ở các cấp trung gian và đang trong tình trạng "trên nóng – dưới nóng nhưng cấp trung gian lạnh".

Ông Trường phân tích, đối với dự án metro, TP HCM đã rất nỗ lực để hoàn thành các phần việc trong điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án. Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải giải quyết nhanh chóng quyết liệt nhưng ở cấp trung gian là các bộ, ngành chưa thật sự vào cuộc, vẫn còn sự chồng chéo giữa các bộ, các văn bản luật… mà theo ông Trường là có đến 18 cửa để TP vượt qua.

Nguy cơ tuyến metro 1 chậm tiến độ là sẽ dẫn đến người dân không được hưởng các tiện ích đáng ra được hưởng, quan hệ với các đối tác nước ngoài sẽ xấu đi và tạo ra sự khó khăn cho các tuyến metro khác hay là các dự án sử dụng vốn ODA nước ngoài. Đó là chưa kể có thể xảy ra tranh chấp các hợp đồng quốc tế đã ký với các nhà thầu..

Khi đất nước còn khó khăn thì việc tiếp nhận các nguồn vốn nước ngoài là rất quan trọng nhưng muốn thế, phải thay đổi cơ chế để không làm kéo chậm lại sự phát triển và đặc biệt là nguy cơ mất niềm tin của nhân dân.

"Không có nước nào xây dựng 19km metro đã qua 11 năm chưa hoàn thành mà còn xin kéo dài đến năm 2021. Đây là dự án quá lạc hậu và bê bối. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt và bên dưới cũng phải có những sáng tạo, không phải cứ rập khuôn theo các quy định không có hiệu quả như hiện nay", ông Trường đề nghị.

PGS.TS. Nguyễn Lê Ninh, ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cũng cho rằng, câu chuyện metro ở đây ngay từ đầu đã có những sai sót liên quan đến thẩm định, duyệt hợp đồng… khi đã có những điều khoản không chặt chẽ dẫn đến khó giải quyết về sau.

Ngoài ra, việc sử dụng vốn ODA cũng đang có nhiều vấn đề, khi tiền đã vay được nhưng không thể sử dụng được vì cơ chế. Vì thế theo ông Ninh, với trường hợp cụ thể là tuyến metro 1, trước mắt cần thiết phải đi vay vốn đột xuất để giải quyết tiền nợ công nhân, thiết bị, cố gắng để công trình đảm bảo tiến độ. Việc này cũng cần phải có hội đồng đánh giá, phân tích kỹ càng….

Kỹ sư cao cấp Hà Ngọc Trường cho rằng đang có tình trạng trên nóng - dưới nóng - cấp trung gian lạnh dẫn đến metro 1 bị chậm.

Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia đô thị cho rằng, ai cũng mong metro hoàn thành đúng thời hạn. Tuy nhiên, cần phải phân tích rõ nguyên nhân khách quan vì sao metro không thể đúng hẹn. Đó là do thiếu vốn, cơ chế còn nhiều bất cập nên… có tiền mà không sử dụng được.

Trong bối cảnh đó, ông Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, không nên bi quan mà phải tận dụng tốt quãng thời gian chậm này. Lâu nay mọi người chỉ quan tâm đến việc làm sao metro nhanh chóng hoàn thành mà chưa quan tâm việc metro vận hành hiệu quả nhất.

Ông Sơn phân tích: Metro không chỉ là riêng nó mà cần nhiều sự phối hợp. Tất cả các trạm phải có xe buýt kết nối, các bãi xe lân cận các trạm metro. Việc quy hoạch những khu đất ở khu vực lân cận phải làm tăng tính hấp dẫn thu hút đầu tư, tăng lợi nhuận.

Hầu hết các đô thị trên thế giới làm metro thì phải bù lỗ nhưng cũng có những TP làm tốt công tác kết nối, thu hút được tư nhân vào và sinh lời. Vì thế, theo ông Sơn TP phải lường trước trong thơi gian đầu vận hành, trước mắt tận dụng tốt thời gian còn lại để không bị động khi metro 1 vận hành.

"Công tác kết nối, thu hút tư nhân vào sinh lời với dự án này còn yếu kém. Tuy nhiên cũng cần phải hết sức cẩn trọng, bởi khi xong tuyến metro sẽ dẫn tới một áp lực mới, đó là TP phải chi ngân sách số tiền không nhỏ để duy trì tuyến metro này vận hành", KTS Ngô Viết Nam Sơn lưu ý.

Dự án tuyến metro số 1 là tuyến metro đầu tiên tại TP HCM và đang được người dân rất quan tâm theo dõi. Vì thế, việc nhanh chóng giải quyết các khó khăn để tuyến metro này đi vào hoạt động càng sớm càng tốt là nhiệm vụ cấp bách mà TP và cả các bộ, ngành, chính phủ phải làm./.


Theo VietnamFinance

Bắc Giang: Sắp có thêm khu nghỉ dưỡng và sân golf 2.800 tỷ đồng

Doanh nghiệp - Dự án   •   Thứ ba, 04/06/2024, 08:59 AM
TCDN - Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch Khu đô thị nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và sân golf Yên Thế, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang khoảng 414 ha, dân số dự kiến khoảng 1.000-1.500 người.

Khánh Hoà: Hoàn tất quy hoạch khu đô thị 3,5 tỷ USD ven vịnh Cam Ranh

Doanh nghiệp - Dự án   •   Thứ ba, 04/06/2024, 08:58 AM
TCDN - Khánh Hoà vừa hoàn tất quy hoạch khu đô thị hơn 1.250 ha có tổng mức đầu tư 85.000 tỷ đồng (gần 3,5 tỷ USD) do liên danh Vinhomes làm chủ đầu tư.

Tiền Giang sẽ có thêm dự án Khu công nghiệp hơn 5.900 tỷ đồng

Doanh nghiệp - Dự án   •   Thứ ba, 04/06/2024, 08:56 AM
TCDN - Dự án khu công nghiệp Tân Phước 1, xã Tân Lập 1, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có vốn đầu tư 5.936,5 tỷ đồng, quy mô 470 ha.

Hải Dương: Gần 130 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ

Thông tin dự án   •   Thứ sáu, 17/05/2024, 10:13 AM
Qua rà soát sơ bộ 1.880 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh ngoài khu công nghiệp tại Hải Dương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương xác định có 127 dự án chậm tiến độ, triển khai không bảo đảm quy định.

Hòa Bình: Dự án Khu đô thị hơn 5.500 tỷ đồng tìm được chủ đầu tư

Thông tin dự án   •   Thứ năm, 16/05/2024, 13:59 PM
Liên danh Xuân Cầu Holdings và CityLand vừa được UBND tỉnh Hoà Bình chấp thuận là chủ đầu tư dự án Khu đô thị thương mại và nhà ở Sông Bùi tại huyện Lương Sơn.