Long An: Vì sao giá bất động sản ở Cần Giuộc tăng vọt?
Các dự án bất động sản có thêm lợi thế sát các cụm khu công nghiệp lớn được nhà đầu tư tìm kiếm vì nhu cầu ở thực chắc chắn sẽ gia tăng. Giá bất động sản ở Long An, nhất là khu vực Cần Giuộc tăng do ảnh hưởng từ dự án kinh tế lớn nhất nước ở tỉnh này.
Với 32.000 ha, quy mô khu kinh tế Long An tương đương các khu kinh tế lớn trên thế giới như Aqaba (37.500 ha) ở Jordan; Tô Châu (28.800 ha), Thiên Tân (46.000 ha), Bắc Kinh (22.500 ha), Thanh Đảo (27.410 ha)… ở Trung Quốc, nên được gọi là siêu khu kinh tế.
Dự án sẽ phát triển 7 khu chức năng, gồm khu đô thị vệ tinh 1 (Cần Giuộc); khu đô thị vệ tinh 2 (Cần Đước); khu đô thị giáo dục, y tế, thể dục thể thao; khu đô thị phụ trợ; khu công nghiệp - cảng biển quốc tế; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và khu đô thị sinh thái. Do khu này sẽ bao trùm toàn bộ huyện Cần Giuộc và một phần huyện Cần Đước, vì vậy Cần Giuộc trở thành trung tâm của siêu khu kinh tế.
Trong đó, quy hoạch sử dụng đất, đất đô thị chiếm gần 15.000 ha (hơn 44%); đất công nghiệp, cảng biển hơn 5.800 ha (18%); đất nông nghiệp công nghệ cao hơn 7.800 ha (24%), còn lại là đất đầu mối giao thông, đất giao thông, đất mặt nước.
Các ngành tiềm năng cao mà Khu kinh tế Long An hướng tới là điện tử thông minh, robot và tự động hóa, nông nghiệp tiên tiến và công nghệ sinh học, nhiên liệu sinh học, hóa sinh, chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Dự án này của Long An có nhiều cơ sở khả thi bởi địa phương này thu hút FDI cao nhất nhì cả nước. Trong 10 tháng đầu năm 2021, bất chấp tình hình dịch bệnh, Long An vẫn dẫn đầu toàn quốc tổng vốn đầu tư đăng ký 3,68 tỷ USD, trong đó có dự án 3,1 tỷ USD tại Cần Giuộc.
Lãnh đạo tỉnh định hướng hình thành khu kinh tế công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị thông minh theo mô hình, kiểu mẫu của Hàn Quốc. Hiện tỉnh đã ký kết 10 bản ghi nhớ để hợp tác về việc chuyển đổi số, phát triển đầu tư.
Cần Giuộc còn có sẵn địa thế liền kề Khu đô thị - cảng quốc tế Hiệp Phước (Nhà Bè, TP. HCM) hơn 3.910 ha. Đây là khu kinh tế cảng biển lớn nhất TP. HCM gồm các cụm cảng nằm dọc theo sông Soài Rạp như: cảng container quốc tế SPCT, Tân cảng Hiệp Phước, cảng quốc tế Long An, khu công nghiệp Hiệp Phước… thu hút hàng trăm dự án đầu tư và tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động.
Dự kiến giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Long An sẽ huy động nguồn vốn khoảng 30.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các dự án giao thông trên địa bàn. Đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án như đường vành đai thành phố Tân An, đường DT830; dự án đường DT 827E có tổng vốn dự kiến khoảng 16.500 tỷ đồng, dự án đường DT 830E có tổng vốn hơn 3.300 tỷ đồng… Các dự án này khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ kết nối thông suốt từ các khu, cụm công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh đến Cảng Quốc tế Long An, TP. HCM và các tỉnh lân cận.
Tỉnh Long An có diện tích hơn 4.490 km2, dân số hơn 1,68 triệu người, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 9,11% mỗi năm.
Tỉnh có chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng thứ ba cả nước, với khoảng 13.200 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng vốn 338.000 tỷ đồng.
Toàn tỉnh hiện có 62 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.100 ha, 35 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 11.000 ha. Những lợi thế này đang giúp cho bất động sản Cần Giuộc nói riêng và tỉnh Long An nói chung trở thành điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư.