Lộ khoản nợ 2.600 tỷ đồng của Vietracimex
Theo đó, trong giai đoạn từ đầu tháng 12/2018 đến cuối tháng 3/2019, Vietracimex đã phát hành 4 đợt trái phiếu cùng có kỳ hạn 7 năm, với tổng giá trị lên tới 2.600 tỷ đồng. Danh tính của các trái chủ không được tiết lộ.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho biết, giai đoạn kể từ ngày 1/1 - 30/6/2019, Vietracimex thực hiện thanh toán tổng cộng 100 tỷ đồng tiền lãi cho các lô trái phiếu kể trên, tương đương với mức lãi suất bình quân theo tính toán của VietTimes chỉ là 7,7%/năm.
Nếu so với mặt bằng chung trên thị trường, mức lãi suất dành cho trái phiếu của Vietracimex là khá thấp và có phần ưu đãi.
Vietracimex huy động 2.600 tỷ đồng từ 4 đợt phát hành trái phiếu
Được biết, Vietracimex tiền thân là Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng, được thành lập từ năm 1999. Sau nhiều lần sáp nhập với một số doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông Vận tải, năm 2004, công ty lọt vào danh sách các Tổng công ty nhà nước được thí điểm tiến hành cổ phần hóa.
Tới năm 2014, Vietracimex chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với quy mô vốn điều lệ đăng ký lên tới hơn 5.510 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại ngày 31/12/2016, vốn thực góp của công ty này mới chỉ dừng ở mức 3.712 tỷ đồng.
Trong đó, chỉ riêng ông Võ Nhật Thăng (sinh năm 1959) đã nắm giữ tới 87,85% vốn điều lệ. Đại diện cổ đông Nhà nước khi đó là SCIC chỉ sở hữu 0,72% vốn. Ông Võ Nhật Thăng nhiều năm liền đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Quy mô tổng tài sản của Vietracimex tính tới cuối năm 2016 đạt tới 8.934,4 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh trong giai đoạn 2014 - 2016 của Vietracimex không được khả quan khi nguồn doanh thu biến động lớn, hiệu quả kinh doanh giảm sút. Riêng trong năm 2016, công ty này còn báo lỗ 1,36 tỷ đồng.
Vietracimex là chủ đầu tư nhiều dự án lớn như: Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ tại số 201 Minh Khai (có tên thương mại là Hinode City, diện tích 31.249 m2, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2016); Dự án Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch (diện tích 138,1 ha, tại huyện Hoài Đức, Hà Nội); Dự án nhà máy thủy điện Bắc Mê (huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang - tổng vốn đầu tư 1.454 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, công ty còn sở hữu lô đất rộng 8.534,8 m2 tại số 926 Đường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội và lô đất 29.204 m2 tại xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội (dự kiến đầu tư xây dựng khu nhà ở thấp tầng và nhà trẻ).
Theo tìm hiểu, SCIC đã từng tổ chức đấu giá để triệt thoái toàn bộ số cổ phần tại Vietracimex trong nửa cuối năm 2017. Tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, phải tới tận tháng 8/2018 (trước thời điểm phát hành các lô trái phiếu kể trên), SCIC mới hoàn thành triệt thoái vốn khỏi Vietracimex.
Phần lớn số cổ phần, tương đương 99,988% vốn điều lệ công ty này thuộc sở hữu của ông Võ Nhật Thăng.
Chân dung ông Võ Nhật Thăng - Chủ tịch HĐQT Vietracimex (Ảnh: Internet)
Sau đó không lâu, vào tháng 10/2018, UBND Tp. Hà Nội đã phê duyệt điều chỉnh nâng tổng diện tích quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với Khu đô thị mới Kim Chung - Di Trạch do Vietracimex làm chủ đầu tư lên mức 146,7 ha.
Tới tháng 5/2019, quy mô vốn điều lệ của Vietracimex cũng được nâng lên mức 5.510 tỷ đồng. Đồng thời, công ty này cũng tiến hành đổi tên viết tắt thành WTO.
Ông Võ Nhật Thăng sai phạm gì khi tiến hành CPH Vietracimex? Ngày 20/1/2016, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã có thông báo về kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Tổng CTCP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) trong việc cổ phần hóa (CPH) Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng và trách nhiệm người đại diện phần vốn Nhà nước tại các đơn vị được thành lập từ việc CPH Tổng Công ty thương mại và xây dựng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, ông Võ Nhật Thăng - với tư cách là người đại diện phần vốn nhà nước tại Công ty mẹ và là Chủ tịch HĐQT Vietracimex - đã cố ý làm trái quy định pháp luật trong việc tổ chức Đại hội cổ đông bất thường ngày 3/6/2006; chuyển Công ty mẹ trong mô hình mẹ - con từ doanh nghiệp nhà nước trở thành công ty cổ phần mà ông Võ Nhật Thăng có vốn góp chiếm tỷ lệ tới 93,37% vốn điều lệ. “Đây là sai phạm có tính bước ngoặt, làm cho tiến trình cổ phần hóa Tổng công ty Thương mại và Xây dựng bị đảo ngược, trái với mục đích, yêu cầu cảu đề án thí điểm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” - kết luận của TTCP cho hay. Ngoài ra, TTCP cũng giao Bộ Tài chính rà soát lại việc tăng vốn điều lệ của Vietracimex, nếu có sai phạm, thất thoát thì xử lý theo quy định của pháp luật./. |