Kê biên 13 sổ đỏ tại dự án trường đua ngựa 140 triệu USD: Bộ Tư pháp thông tin
Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp chiều 21/1, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan những ồn ào quanh việc kê biên 13 sổ đỏ tại dự án trường đua ngựa có tổng mức đầu tư 140 triệu USD ở huyện Đức Hoà (Long An), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn cho biết vụ việc đã được báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp để giải quyết.
“Trách nhiệm và thẩm quyền không còn thuộc Tổng Cục nữa. Chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp và đang phối hợp với Thanh tra Bộ để giải quyết khiếu nại của Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát. Theo tôi biết thì đã có chỉ đạo của lãnh đạo Bộ", ông Sơn nói.
Tại buổi họp báo, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp cho hay đã nhận được văn bản khiếu nại của Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát, Chủ đầu tư dự án xung quanh việc bị kê biên 13 sổ đỏ.
"Đơn này được Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ đạo và giao thanh tra Bộ xem xét, nghiên cứu toàn bộ vụ việc một cách thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan. Thanh tra Bộ đang xem xét và sẽ có tham mưu cho Bộ trưởng để có thông báo trả lời Công ty Hồng Phát”, đại diện Thanh tra Bộ Tư pháp nói.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Sơn tại cuộc họp báo.
Theo tìm hiểu của PV, Công ty cổ phần địa ốc Hồng Phát được UBND tỉnh Long An giao làm chủ đầu tư, thực hiện Dự án khu dân cư cao cấp và trường đua ngựa tại huyện Đức Hòa. Dự án có quy mô khoảng 500 ha và tổng mức đầu tư lên tới 140 triệu USD.
Vào năm 2007, Công ty Hồng Phát ký “Thoả thuận khung” với Công ty China Policy Limited (Công ty CPL) và dự định ký kết hợp đồng thành lập Công ty liên doanh để thực hiện dự án này. Theo đó, Công ty Hồng Phát góp vốn 30% bằng giá trị quyền sử dụng đất, Công ty CPL góp 70% vốn bằng tiền mặt.
Sau khi xảy ra tranh chấp không thể hàn gắn được, Công ty CPL đã khởi kiện đến Hội đồng trọng tài thuộc Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC). Và đến ngày 25/4/2013, VIAC ra phán quyết trọng tài yêu cầu hai bên tiếp tục thực hiện thoả thuận khung và thành lập “Công ty liên doanh”.
Tổ chức thi hành quyết định của VIAC, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An có văn bản số 525/2017 gửi Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Long An yêu cầu không cho thế chấp, bảo lãnh đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát.
Tuy nhiên sau đó, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) có văn gửi Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An hướng dẫn nghiệp vụ thi hành án, nhấn mạnh: Theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan, việc thành lập công ty liên doanh phải do ý chí tự nguyện của Công ty Hồng Phát và Công ty CPL; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác (kể cả cơ quan đăng ký kinh doanh hay cơ quan thi hành án dân sự) không thể thực hiện thay các bên đương sự.
Chiếu theo quy định tại Khoản 4 Điều 69 và Điều 71 Luật Thi hành án dân sự 2014 thì cơ quan thi hành án không có căn cứ để cưỡng chế kê biên tài sản đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty Hồng Phát. Đồng thời không có cơ sở để tiếp tục thực hiện công văn số 525/2017 của Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An.
Thực hiện việc này, ngày 29/11/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An đã ra văn bản thông báo chấm dứt hiệu lực của văn bản số 525/2017.
Đến ngày 18/12/2018, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Long An lại có Quyết định số 07/QĐ-CTHADS tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng, thay đổi hiện trạng tài sản đối với 13 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên Công ty Hồng Phát.
Trong rất nhiều đơn thư gửi cơ quan chức năng, lãnh đạo Công ty Hồng Phát khẳng định việc thi hành án bất nhất, “sớm nắng, chiều mưa” như trên đã gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp. Việc ngăn chặn này gây khó khăn cho Hồng Phát không có tài chính, không thực hiện dự án và không thể thành lập liên doanh.