Him Lam rút lui, Hà Nội chi 2.561 tỉ đồng xây thêm cầu Vĩnh Tuy mới
Sẽ có thêm một cầu Vĩnh Tuy mới, thêm kết nối với khu vực ngoại thành Hà Nội Ảnh Y.T
Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội vừa thông qua chủ trương chuyển dự án đầu tư cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 từ hình thức BT sang đầu tư công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.561 tỉ đồng, do nhà đầu tư rút lui.
Theo đó, cầu Vĩnh Tuy sẽ được mở rộng gấp đôi, thực chất là xây một cây cầu khác có kết cấu tương tự cầu Vĩnh Tuy hiện nay, cách mép cầu cũ 2 m, dự kiến triển khai từ năm 2019 và hoàn thành vào năm 2022.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án, trong giai đoạn 2 này, cầu Vĩnh Tuy sẽ được xây dựng rộng tương tự giai đoạn 1 (mặt cắt ngang 19,25 m) với 4 làn xe, trong đó có 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn tổng hợp và dải đi bộ.
Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ có tổng chiều dài là 3.504 m, không phải giải phóng mặt bằng, do việc này đã được thực hiện khi thi công giai đoạn 1. Theo dự kiến, quý 3/2020, Hà Nội sẽ lựa chọn nhà thầu, thi công trong hơn 1 năm và hoàn thành dự án vào tháng 12.2022.
Dự án này đã được UBND TP.Hà Nội phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2011. Năm 2017, Hà Nội chuyển sang đầu tư bằng hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), sau đó giao Công ty CP Him Lam lập hồ sơ đề xuất dự án.
Để “đổi” lấy cây cầu này, Hà Nội dự kiến sử dụng quỹ đất có diện tích 440 ha trên địa bàn các phường Long Biên, Cự Khối, Bồ Đề, Thạch Bàn (quận Long Biên) và xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), thuộc khu vực đất bãi ngoài đê tả sông Hồng, nằm trong ranh giới quy hoạch phân khu đô thị N10 (khoảng 320 ha) và phân khu đô thị sông Hồng hiện đang quy hoạch, để thanh toán cho dự án và dự án nút giao khác mức giữa vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long.
Tuy nhiên, do Hà Nội đang nghiên cứu điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu vực này theo chỉ đạo của Thủ tướng, nên chưa xác định được thông tin quy hoạch quỹ đất dự kiến thanh toán cho dự án.
Mặt khác, các dự án BT đều đang phải tạm dừng chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư, nên Công ty CP Him Lam cũng muốn ngừng nghiên cứu dự án này.
Do đó, ngày 28.6, Ban Cán sự Đảng UBND TP.Hà Nội đã có báo cáo gửi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cho phép chuyển dự án sang đầu tư công, và đã được thông qua tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố diễn ra trong 2 ngày 2 và 3.7.
Chuyển sang đầu tư công, Hà Nội dự kiến sẽ phải bố trí khoảng 300 tỉ đồng cho dự án vào năm 2020. Các năm tiếp theo, nguồn vốn bố trí cho dự án sẽ từ nguồn tăng thu kết dư ngân sách giai đoạn 2016 - 2020 (nếu có), và chuyển từ các dự án chậm triển khai, không có khả năng thực hiện sang, cũng như huy động thêm nguồn vay ngân quỹ nhàn rỗi, phát hành trái phiếu xây dựng thủ đô….
Nguồn đất dự kiến thanh toán cho dự án này sẽ được bố trí cho dự án khác, hoặc đấu giá để thu ngân sách cho thành phố.