Hà Nội: Loạt dự án BT của Văn Phú, Him Lam, Bitexco, Geleximco... bị dừng triển khai
UBND thành phố Hà Nội cho biết việc dừng triển khai các dự án BT trên địa bàn thành phố là do Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2021) đã quy định dừng triển khai dự án BT mới, dừng thực hiện dự án BT chưa phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
Năm 2020, tập thể lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội đã họp về việc rà soát các dự án đầu tư theo hình thức PPP của thành phố. Theo đó UBND thành phố chỉ đạo (tại Thông báo số 192/TB-UBND ngày 27/02/2020) rằng: đối với các dự án chưa giao nhà đầu tư (kể cả dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư) giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo cho các nhà đầu tư đề xuất dự án, nhà đầu tư đăng ký tham gia thực hiện dự án việc dừng công tác chuẩn bị đầu tư.
Năm 2021, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố đã báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy về việc triển khai thực hiện các dự án PPP và chuyển đổi một số dự án sang hình thức đầu tư công trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố có ý kiến (tại Báo cáo số 164-BC/BCSĐ ngày 24/3/2021): giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì rà soát, thông báo cho các nhà đầu tư dừng công tác chuẩn bị đầu tư; rà soát từng dự án cụ thể, tham mưu đề xuất UBND thành phố xem xét, chuyển đổi sang hình thức đầu tư công đối với những dự án cần thiết, cấp bách theo quy định; Ban Thường vụ Thành ủy đã có ý kiến chỉ đạo thực hiện tại Thông báo số 198-TB/TU ngày 29/3/2021.
Căn cứ quy định hiện hành và các chỉ đạo nêu trên, các dự án do cơ quan nhà nước và nhà đầu tư đề xuất thuộc trường hợp dừng triển khai, dừng thực hiện; việc thanh toán chi phí chuẩn bị dự án (nếu có) thực hiện theo quy định tại Khoản 11 Điều 91 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Trong danh mục các dự án dừng triển khai, dừng thực hiện nói trên, có 2 dự án đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa ký hợp đồng gồm: dự án cải tạo, nâng cấp đường 70 đoạn Hà Đông - Văn Điển quy mô 7,5 km do liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest (HoSE: VPI) - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú CIC - Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú số 1 - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phú Mỹ - Công ty TNHH An Quý Hưng thực hiện.
Tiếp đó là dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Ba La - Xuân Mai với quy mô 23,1km do liên danh Công ty Cổ phần Sông Đà - Tổng công ty Phát triển Hạ tầng Đô thị (UDIC) - Công ty Cổ phần Thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty Cổ phần Đại An thực hiện.
Danh sách cũng có 11 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi gồm: dự án vành đai 3,5 - xây dựng nút giao khác mức giữa đường vành đai 3,5 với đại lộ Thăng Long do Công ty Cổ phần Him Lam thực hiện; dự án đường 70 đoạn từ Nhổn đến đại lộ Thăng Long - Hà Đông do Công ty Cổ phần Bất động sản Thái An thực hiện; dự án vành đai 3,5 đoạn từ cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 32 do liên danh Công ty Gia Long - Công ty Xuất nhập khẩu Thăng Long thực hiện...
Ngoài ra, có 69 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, gồm: dự án xây dựng vành đai 2,5 đoạn từ khu đô thị mới Dịch Vọng - Dương Đình Nghệ do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội Geleximco thực hiện; dự án vành đai 2,5 đoạn từ Trung Kính đến cuối đường Trần Duy Hưng do liên danh Công ty Cổ phần thương mại Ngôi Nhà Mới - Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Mekong E&C - Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển đô thị Đại Việt thực hiện;
Dự án vành đai 3,5 đoạn từ Phúc La - Văn Phú đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ do liên danh Công ty Cổ phần Eurowindow Hoding - Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Đông Dương - Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và bất động sản Thế Vinh thực hiện...
Trong số các "đại gia" có dự án bị dừng, Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T có ba dự án, gồm: dự án vành đai 3,5 đoạn cầu Thượng Cát đến Quốc lộ 5 kéo dài; dự án Vành đai 4 đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến Quốc lộ 32 và đoạn từ Quốc lộ 32 đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và cuối cùng là xây dựng tuyến đường từ Thành cổ Sơn Tây tới phía Bắc Đền Và.
Tập đoàn Ecopark (Công ty Cổ phần Phát triển Đô thị Việt Hưng) cũng có 4 dự án gồm: dự án xây ba tuyến đường Đa Tốn (trên đường Hà Nội - Hải Phòng), đường nối khu đô thị với đường 179, đường 179 từ Nguyễn Huy Nhuận đến sông Bắc Hưng Hải; dự án xây cầu Giang Biên và đường nối hai đầu cầu; dự án cải tạo sông Đáy; dự án hạ ngầm đường cao thế đoạn Chèm - Tây Hồ.
Các "đại gia" khác cũng góp mặt như: Bitexco với dự án đường 70 đoạn từ Văn Điển đến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (đường nối Quốc lộ 1A cũ và đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ); CEO Group với dự án khu trung tâm chính trị - hành chính, khu liên hợp văn hóa - thể thao huyện Quốc Oai; TASCO với dự án nâng cấp trục chính sông Nhuệ kết hợp làm đường giao thông, cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang đô thị từ Liên Mạc đến cống Hà Đông; Tập đoàn Nam Cường với dự án xây dựng đường trục kinh tế Bắc Nam tỉnh Hà Tây (cũ) với quy mô 20 km...