Hà Nội 'lệnh' xử lý tình trạng nở rộ xây nhà trên đất nông nghiệp
Hà Nội tăng cường xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công
UBND TP Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy về thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
“Thực hiện thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn các quận, huyện, thị xã, UBND TP giao UBND các quận, huyện, thị xã, Sở Tài nguyên và Môi trường và các sở, ngành. Báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 30/4/2020”, công văn nêu rõ.
Hà Nội yêu cầu báo cáo thực trạng, kết quả và giải pháp xử lý vi phạm lấn chiếm đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn TP.Cùng với đó, các sở: Xây dựng, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, NN&PTNT tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về UBND TP trước ngày 31/3/2020.
Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện; kế hoạch kiểm tra, đôn đốc các quận, huyện, thị xã; tổng hợp báo cáo UBND TP trước ngày 15/5/2020.
Trước đó, tại thông báo số 2354-TB/TU ngày 29/11/2019, Thường trực Thành ủy giao Ban Cán sự đảng UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND các quận, huyện, thị xã và các cơ quan, đơn vị liên quan, đặc biệt là các địa phương có tỷ lệ xử lý vi phạm đất đai còn thấp nâng cao hơn nữa hiệu quả tham mưu, năng lực quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm kịp thời, dứt điểm; cần chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể của mỗi địa phương, đơn vị nhằm quyết liệt xử lý dứt điểm các vi phạm còn tồn tại, nhất là các vi phạm tồn tại từ trước năm 2014.
Thường trực Thành ủy Hà Nội giao Ban Cán sự đảng UBND TP siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng và trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương, cơ sở đối với việc phát hiện, xử lý các vi phạm trong lĩnh vực đất đai…
Loạn công trình trái phép "mọc" trên đất nông nghiệp
Theo đánh giá mặc dù UBND TP Hà Nội vào cuộc quyết liệt để xử lý, tuy nhiên tại nhiều quận, huyện như Hoàng Mai, Thanh Xuân, Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì… tình trạng vi phạm, lần chiếm, xây nhà trên đất nông nghiệp vẫn tái.
Theo đó, tại các địa phương này đã diễn ra tình trạng xây nhà trên đất nông nghiệp. Có nhiều nơi ban đầu chỉ có vài hộ, sau đó, các hộ khác đua nhau làm theo, thậm chí có cả người ở địa phương khác tới đây mua đất nông nghiệp để xây nhà sinh sống. Ngoài ra, cũng có không ít các hộ kinh doanh ban đầu sử dụng khu đất của mình để xây nhà xưởng sản xuất nhưng sau một thời gian đã chuyển sang xây nhà kiên cố.
Thời gian qua, trên địa bàn phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) trở thành điểm nóng về các vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.Đơn cử, trên địa bàn quận Thanh Xuân, một số khu đất công còn tồn tại các công trình xây dựng từ lâu đến nay vẫn chưa thể xử lý, giải tỏa, như khu đất ở Đầm Hồng, khu đất giáp số 314 Bùi Xương Trạch (phường Khương Đình)...
Hay tại quận Long Biên, một địa phương ven đô đang đô thị hóa mạnh mẽ cũng đang có nhiều vi phạm đất đai với quy mô lớn nhưng chưa được xử lý. Theo Kết luận thanh tra số 316/KL-STNMT-TTr của Sở Tài nguyên và Môi trường cho thấy, qua công tác thanh tra tại quận Long Biên, Sở này đã phát hiện 304 trường hợp vi phạm đất nông nghiệp với tổng diện tích đất là 13,7144 ha. Trong đó, sử dụng không đúng mục đích, xây dựng trái phép là 286 trường hợp và chuyển nhượng trái quy định 14 trường hợp...
Đối với quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công và xử lý vi phạm tại quận Long Biên, kết quả thanh tra cho thấy, phần lớn diện tích đất nông nghiệp công ích đều đã cho các hộ gia đình, cá nhân thuê nhưng không sử dụng vào mục đích nông nghiệp, việc cho thuê đất công ích không thực hiện thông qua đấu giá để giao thầu sử dụng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai.
Đáng chú ý, nhiều trường hợp ngay sau khi được thuê đã tự chuyển mục đích sử dụng làm nhà xưởng, cơ sở kinh doanh, dịch vụ, cơ sở sinh thái nhưng không được UBND các phường lập hồ sơ xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật như các trường hợp vi phạm trên địa bàn phường Thượng Thanh, Bồ Đề, Giang Biên, Long Biên, Việt Hưng, Cự Khối, Đức Giang…
Để xảy ra vi phạm là do buông lỏng quản lý
Liên quan đến các công trình vi phạm trên đất nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trước đó cho biết, dù TP đã chỉ đạo quyết liệt nhưng còn diễn biến phức tạp do một số người dân tự ý xây dựng; để xảy ra vi phạm là do buông lỏng quản lý ở cơ sở, thanh tra, kiểm tra chưa kịp thời. Ông Chung cũng yêu cầu công an TP Hà Nội làm rõ trường hợp cán bộ, công chức làm "sổ đỏ" giả để hợp thức hóa vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp.