Hà Nội 'khai tử' loạt khu đô thị của HUD, Việt Á, Prime Group...
UBND TP. Hà Nội vừa có báo cáo gửi HĐND về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04 ngày 8/4/2022 của HĐND TP về biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP. Hà Nội.
UBND TP Hà Nội cho biết đã tiến hành rà soát đối với 712 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất nhưng chậm triển khai trên địa bàn.
Tính đến ngày 31/10/2023, có 330 dự án (chiếm 46,3% tổng số 712 dự án) được đưa ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai (đã đưa đất vào sử dụng; đã, đang tham mưu trình thu hồi, chấm dứt dự án).
Có 350 dự án (chiếm 49,2% tổng số 712 dự án) đã có chỉ đạo xử lý, kết luận thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm; giao các đơn vị tiếp tục giám sát, đôn đốc nhà đầu tư đưa đất vào sử dụng.
32 dự án (chiếm 4,5% trong tổng số 712 dự án) còn phải tiếp tục thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật. Dự kiến hoàn thiện trong tháng 12/2023.
Cũng tại báo cáo, UBND TP. Hà Nội cho biết có 50 dự án với tổng diện tích 2.879,3ha đất, TP xem xét quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất, chấm dứt hoạt động dự án.
Trong đó, 32 dự án đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất; 18 dự án, UBND TP giao các Sở ngành TP và UBND các quận, huyện, thị xã làm rõ một số nội dung liên quan để xử lý, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Trong số 32 dự án đã có quyết định thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất có loạt dự án khu đô thị, nhà ở với quy mô lớn, có thể kể đến như: khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1 và khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh (huyện Mê Linh) của Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD); dự án Khu đô thị mới Việt Á, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh) của Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư thương mại công nghiệp Việt Á; khu đô thị mới BMC, xã Đại Thịnh (huyện Mê Linh) của Công ty Vật liệu xây dựng và lắp ráp thương mại;
Khu đô thị mới Prime Group (khu đô thị sinh thái Đại Thịnh) xã Đại Thịnh, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh của Công ty Cổ phần Prime Group; khu nhà ở cao cấp Phương Viên (huyện Mê Linh) của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ du lịch Phương Viên; dự án Xây dựng khu biệt thự nhà vườn, xã Tiến Xuân (huyện Thạch Thất) của Công ty Cổ phần đầu tư An Lạc; dự án xây dựng biệt thự nhà vườn Thạch Thất của Công ty xây dựng Trường Giang; biệt thự nhà vườn Thạch Thất của Công ty CPTM quốc tế Thành Như; Xây dựng HTKT khu biệt thự Sunny light tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) của Công ty Cổ phần Ánh Dương;
Dự án tổ hợp công trình công cộng, chung cư cao tầng tại 162 Nguyễn Văn Cừ, (quân Long Biên) của HTX Công nghiệp Thăng Long; dự án tổ hợp văn phòng dịch vụ nhà ở tại số 5 đường Trường Chinh (phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) của Công ty Cổ phần VLXD và XNK Hồng Hà; dự án trụ sở, văn phòng kết hợp bãi đỗ xe tại khu đất đấu giá Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) của Công ty Cổ phần Bất động sản AIC...
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, cho biết việc mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008 đã tạo ra thời cơ mới khi Hà Nội kế thừa hơn 700 dự án bất động sản của Hà Tây (cũ), Hòa Bình, cá biệt có những dự án hàng trăm ha được duyệt chỉ sau hai ngày.
Tuy nhiên, hệ quả đến thời điểm hiện tại, có tới 400 dự án bỏ hoang, một số dự án thu được rất ít tiền sử dụng đất, thậm chí không xử lý được vì đang chờ định hướng mới trong điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô sắp tới.
“Quy hoạch là định hướng, là công cụ quyết định thị trường bất động sản. Nhưng rõ ràng khi chúng ta ôm quá rộng, quá lớn mà không có năng lực quản lý sẽ không hiệu quả. Đây cũng là bài học về phát triển thị trường bất động sản, tiềm năng nhưng phải đi đôi với năng lực và nguồn lực thực hiện”, ông Nghiêm nói.