Đường sắt đầu mối Hà Nội thế nào trong 10 năm tới?
Bộ Giao thông Vận tải vừa trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, dự thảo quy hoạch đã nghiên cứu một số nội dung để định hướng kết nối, bảo đảm đồng bộ, thống nhất tại một số khu vực trọng điểm và với các phương thức, trong đó có đường sắt khu đầu mối Hà Nội.
Cụ thể, theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội, ga Hà Nội (dự kiến khoảng 15ha) chỉ lập tàu khách và là ga trung tâm trung chuyển của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông công cộng khác.
Trong khi đó, theo quy hoạch chung xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, quy hoạch đường sắt khu đầu mối thành phố Hà Nội dự kiến xây dựng tuyến đường sắt vành đai phía Đông để khép kín vành đai, tạo điều kiện nối thông đường sắt quốc gia qua địa bàn thành phố Hà Nội.
Cùng đó sẽ hình thành các trung tâm tiếp vận nhằm phân phối và trung chuyển hành khách, hàng hóa giữa các loại hình vận tải đường sắt với đường bộ, gắn với hệ thống ga đầu mối như: ga Ngọc Hồi, ga Bắc Hồng, ga Cổ Bi, ga Tây Hà Nội.
Vì vậy, dự thảo quy hoạch đề xuất, đường sắt quốc gia không đi xuyên tâm (qua ga Hà Nội), mà đi theo tuyến Bắc Hồng - Văn Điển hoặc tuyến vành đai phía Đông (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Bắc Hồng). Các ga chính kết nối đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị khu vực Hà Nội gồm: Ngọc Hồi, Lạc Đạo, Yên Viên, Bắc Hồng.
Sau khi hoàn thành đoạn tuyến đường sắt vành đai phía Đông (Ngọc Hồi - Lạc Đạo - Yên Viên - Bắc Hồng), sẽ chuyển đổi 2 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên và Gia Lâm - Lạc Đạo thành đường sắt đô thị và bàn giao cho UBND thành phố Hà Nội.
Cùng với đó, dự thảo quy hoạch cũng đề xuất xây dựng tổ hợp ga Ngọc Hồi là điểm đầu cho tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, có chức năng ga lập tàu của đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đề-pô tàu đô thị. Ga Bắc Hồng có chức năng ga lập tàu hàng (thay thế cho ga Việt Hùng - theo quy hoạch hiện nay).
Khi năng lực tuyến vành đai phía Đông không còn khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải, sẽ hình thành đoạn tuyến đường sắt phía Tây (Ngọc Hồi - Thạch Lỗi) để kết nối đường sắt liên vùng (dự kiến bố trí ga Tây Hà Nội).
Riêng tuyến vành đai phía Đông, dự thảo quy hoạch đề xuất ưu tiên thu xếp nguồn lực để triển khai trong giai đoạn 2026-2030, để kết nối tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh hiện có với các tuyến phía Bắc như Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng… Nhu cầu vốn toàn tuyến khoảng 8.100 tỉ đồng.