Dự kiến tháng 11 sẽ khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh
Tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ GTVT ngày 13/4, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Phạm Hoàng Anh cho biết huyện này có 27km cao tốc đi qua nhưng đến thời điểm hiện tại, huyện chưa được bàn giao bất cứ mốc giải phóng mặt bằng nào để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam.
"Chúng tôi vô cùng lo lắng vì giải phóng mặt bằng là việc rất khó, mất nhiều thời gian, trong khi thời gian làm dự án cao tốc rất gấp", ông Phạm Hoàng Anh thông tin.
“Đến ngày 30/11 phải hoàn thành tới 70% mặt bằng. Vì vậy, huyện đề nghị các đơn vị liên quan cắm trước một số đoạn để huyện có cơ sở triển khai”, ông Phạm Hoàng Anh nói.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Hồng Lĩnh cũng cho biết trong công tác giải phóng mặt bằng, cần nhất vẫn là cắm mốc lộ giới. Đến nay, tỉ lệ bàn giao mốc giải phóng mặt bằng rất thấp. Trong khi đó, thời gian dự kiến bàn giao mặt bằng để khởi công vào ngày 30/11 rất gấp. Vì vậy, đề nghị Bộ và Ban quản lý dự án sớm giao hết mốc lộ giới cho địa phương.
Tại huyện Kỳ Anh, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tiến Hùng bày tỏ quan ngại khi các phương án chọn vị trí đổ thải địa phương đều nhất trí nhưng đây cũng là tài nguyên nên cần có phương án để địa phương sử dụng, tránh việc để treo nguồn tài nguyên.
Cũng tại cuộc họp, liên quan đến việc chọn vị trí bãi đổ thải, ông Hùng đề xuất có khu đất ngay gần Nhà máy xử lý rác thải Phú Hà tại xã Kỳ Tân có thể tận dụng làm bãi đổ thải. Tại vị trí này đất đã được giải phóng mặt bằng và bàn giao cho huyện quản lý.
Kết luận tại buổi làm việc Thứ trưởng Lê Đình Thọ đề nghị địa phương gấp rút thực hiện các bước liên quan đến giải phóng mặt bằng, hướng tuyến, các mỏ vật liệu xây dựng để sớm khởi công dự án cao tốc Bắc - Nam vào tháng 11 sắp tới.
"Riêng với Hà Tĩnh chậm nhất tháng 12/2022 khởi công. Còn đoạn nào xong trước ta có thể khởi công trước từ tháng 10, tháng 11. Đây là nhiệm vụ quan trọng chúng ta phải làm", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Đối với mỏ vật liệu tư vấn phải nghiên cứu lại tổng thể, nhu cầu đất đắp, cát đá đối với từng thời kỳ, thời điểm thi công cụ thể.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, dự án liên tuyến không bị ngắt quãng nên tư vấn phải nghiên cứu tổng thể, ưu tiên số 1 là điều phối đất đắp, kết cấu đường công vụ. Rút kinh nghiệm từ các dự án giai đoạn 1, phải làm tốt điều phối để tận dụng nguồn tài nguyên.
"Cần có phương án so sánh về mỏ vật liệu và sơ đồ để xác định phương án tối ưu. Khi đã chọn mỏ cũng phải xác định trữ lượng dư thừa sau khi làm cao tốc sẽ bàn giao cho địa phương như thế nào. Công tác lập dự toán, giá phải làm chặt", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Giai đoạn 2021-2025, có 3 dự án thành phần đi qua Hà Tĩnh với tổng chiều dài 102,5 km (đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi dài 34,5 km; đoạn Hàm Nghi - Vũng Áng dài 55 km; đoạn Vũng Áng - Bùng dài 58 km, trong đó, đoạn qua Hà Tĩnh dài 13 km) đi qua địa bàn 6 huyện, thị xã là: Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh; tổng mức đầu tư 20.230 tỷ đồng. Khi hoàn thành, tuyến cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh sẽ có 6 làn xe với vận tốc thiết kế từ 100 - 120 km/h.