Dự án gần trăm tỉ “đắp chiếu” tại Vĩnh Phúc: Chiêu trò biến hóa
Vậy trong câu chuyện lập dự án, dịch chuyển trường học tổ chức nào được hưởng lợi? Việc biến dự án nhà ở cho người thu nhập thấp thành nhà liền kề bán cho người có điều kiện được thực hiện bằng những “chiêu trò” gì?
Vỏ bọc?
Trường Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc trước khi di chuyển lên khu vực mới (Dự án xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật, đang phải “đắp chiếu” vì chồng quy hoạch) nằm tại khu “đất vàng” tại ngã 5 phường Liên Bảo, TP Vĩnh Yên.
Khu đất này có giá trị rất lớn và là “miếng bánh” mà giới làm dự án bất động sản thèm muốn. Theo điều tra của Báo GD&TĐ, khi dự án nâng cấp Trường Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc lên cao đẳng và dịch chuyển về vị trí mới thì tại khu đất cũ (mặt đường, phường Liên Bảo) được lập chủ trương xây dựng nhà ở cao tầng cho người thu nhập thấp.
Chủ trương dự án nhà thu nhập thấp được người dân đồng tình ủng hộ, giải quyết được các vấn đề công bằng xã hội tại Vĩnh Phúc, có ý nghĩa dân sinh lớn, phù hợp với quy hoạch. Nhưng sau nhiều năm chờ đợi, người dân có nhu cầu mua nhà không thấy nhà thu nhập thấp được xây mà thế vào đó lại là một khu nhà liền kề san sát nhau, hình thành nên một dãy phố của những người có điều kiện.
Khu dự án này được gắn tấm biển với dòng chữ: Khu phố Phúc Sơn (Phúc Sơn không phải là tên danh nhân, hay người có công tại Vĩnh Phúc mà nó là tên của chủ đầu tư dự án - Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn).
Khu phố là những nhà liền kề thấp tầng thể hiện sự sang trọng, tuyệt nhiên không có dấu hiệu nào cho thấy đây là khu nhà thuộc dự án thu nhập thấp. “Mới đầu thì nói là dự án dành cho người thu nhập thấp. Các anh thấy đấy, làm gì có thu nhập thấp ở đây. Khi trường chuyển đi thì họ nói xây nhà thu nhập thấp chỗ này. Nhưng một thời gian không biết họ luồn lách kiểu gì mà thu nhập thấp biến thành nhà chia lô, liền kề. Nói thu nhập thấp chỉ là vỏ bọc”, người dân tại phường Liên Bảo ngao ngán nói.
Khu phố Phúc Sơn - là cái tên thể hiện “dấu ấn” của chủ đầu tư dự án
“Nhóm lợi ích”?
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn (một doanh nghiệp có máu mặt của Vĩnh Phúc và có nhiều dự án tai tiếng ở nhiều tỉnh, thành) được xem là có nhiều lợi ích liên quan đến Trường Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn là nhà thầu cho dự án xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc (hiện nhiều hạng mục bị bỏ hoang, lãng phí). Cũng đơn vị này thâu tóm “đất vàng” của Trường Văn hóa - Nghệ thuật tại phường Liên Bảo. Qua nhiều “động tác”, dự án nhà ở thu nhập thấp biến thành nhà chia lô với mỗi lô đất hàng chục tỷ đồng.
Điều kỳ lạ đầu tiên bắt đầu khi cuối năm 2011 (thời điểm vàng của kinh doanh bất động sản) Sở Xây dựng Vĩnh Phúc công bố dự án khu nhà ở cao tầng tại Trường Văn hóa - Nghệ thật Vĩnh Phúc trên Báo Đấu thầu và Cổng thông tin điện tử Vĩnh Phúc. Cũng theo Sở Xây dựng Vĩnh Phúc thì khi hết hạn nộp hồ sơ duy nhất có Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đăng ký xin làm chủ đầu tư.
Và cũng vì là duy nhất nên Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn nhanh chóng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làm chủ đầu tư dự án.
Tháng 9/2014, tỉnh Vĩnh Phúc thu hồi đất và cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giao cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện dự án khu nhà ở xã hội tại phường Liên Bảo, phù hợp với quy hoạch trước đó.
Theo tìm hiểu của Báo GD&TĐ, khu nhà ở xã hội này có 15 tầng, nhưng nó chưa bao giờ được xây dựng. Mục đích đầu tư nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu cấp bách về nhà ở cho người có thu nhập thấp, đối tượng chính sách và trong diện ưu tiên chưa bao giờ được thực hiện.
Dự án này sau đó được chuyển xuống thành nhà ở thương mại và nhà ở xã hội thấp tầng. Với việc chuyển đổi này, dự án không còn thuần túy dành cho người thu nhập thấp nữa. Theo người dân ở đây cho biết thì mỗi lô đất có giá hàng chục tỷ đồng.
Lý giải về việc điều chỉnh này, Sở Xây dựng Vĩnh Phúc cho rằng: “Việc điều chỉnh quy mô dự án từ nhà ở xã hội cao tầng sang nhà ở xã hội thấp tầng là phù hợp quy định”?
Quá trình điều tra vụ việc, Báo GD&TĐ có danh sách người dân mua nhà liền kề tại cái gọi là “dự án nhà ở xã hội” này. Từ danh sách thu thập được cho thấy những dấu hỏi lớn trong câu chuyện lợi ích của dự án này. Vì sao tỉnh Vĩnh Phúc phải “vội vàng” lập, phê duyệt dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc để quy hoạch, không thể tiếp tục thực hiện việc xây dựng, gây lãng phí vốn đầu tư công? Vì sao Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn vừa là nhà đầu tư duy nhất của dự án nhà ở xã hội (tại vị trí Trường Văn hóa - Nghệ thuật cũ, được điều chỉnh từ nhà cao tầng xuống thành nhà thấp tầng, nhà chia lô) vừa là nhà thầu xây dựng dự án Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Vĩnh Phúc?
Câu chuyện phía sau là gì? Có không “nhóm lợi ích”? là những vấn đề dư luận người dân tại Vĩnh Phúc đề nghị làm rõ.