Đột phá trên đại công trường cao tốc
Thủ tướng nghe báo cáo tại phía bắc hầm Núi Vung Km123 của dự án. Ảnh VGP
Ưu tiên đặc biệt
Mới đây, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi 5 dự án đường bộ cao tốc trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Các dự án này gồm: đường vành đai 4 - vùng Thủ đô, đường vành đai 3 TP. HCM, cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu. Tổng chiều dài ước tính của 5 dự án là hơn 500km.
Về hình thức đầu tư 3 dự án trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng thống nhất thực hiện đầu tư công như đề nghị của Bộ GTVT và các địa phương liên quan do Chính phủ đã trình Quốc hội đưa vào chương trình. Thủ tướng giao Bộ GTVT đánh giá kỹ tác động của các dự án này đối với các dự án đã triển khai trong khu vực, bảo đảm ổn định chính sách, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư.
Tiếp đó, Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo của Chính phủ triển khai thực hiện dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Theo đó, yêu cầu các địa phương này phải hoàn thành việc thành lập Ban chỉ đạo và Hội đồng giải phóng mặt bằng; bảo đảm mục tiêu, yêu cầu hoàn thành bàn giao 70% diện tích mặt bằng trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong Quý II/2023.
Cũng tại thông báo này, đối với các dự án thành phần thuộc giai đoạn 2017-2020, Phó thủ tướng yêu cầu không được để chậm tiến độ đã cam kết với Thủ tướng Chính phủ, trong đó năm 2022 hoàn thành các đoạn: Mai Sơn - Quốc Lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây (với chiều dài 361,47km).
Có thể nói, chưa bao giờ “không khí cao tốc” lại nhộn nhịp như thời điểm này. Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, đây đều là những tuyến đường quan trọng, huyết mạch, việc triển khai xây dựng liên quan đến nhiều vấn đề, nhiều tỉnh, thành phố và nhiều người dân. Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý việc triển khai các dự án cao tốc cần đi theo hướng tuyến thẳng nhất, ngắn nhất có thể, không bám theo đường cũ hay khu dân cư, “qua sông bắc cầu, qua đồng đổ đất, qua núi khoét núi”, qua đó giảm được khâu giải phóng mặt bằng, giảm chi phí, thời gian và tạo ra không gian phát triển mới. Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, các địa phương phối hợp chặt chẽ, đồng bộ trên tinh thần “làm ngày làm đêm”, giảm tối đa thủ tục hành chính, các phiền hà không cần thiết, trình các cơ quan có thẩm quyền theo quy định, bảo đảm tiến độ và chất lượng công việc. Nhấn mạnh quyết tâm phải hoàn thành 5 dự án trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng bày tỏ “nếu đủ vốn mà không hoàn thành là có lỗi với nhân dân, với đất nước”.
Để có con đường đột phá
Tại phiên họp bất thường của Quốc hội khóa XV, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án cao tốc Bắc Nam dài 729 km, triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Như vậy là với gần 1.000km cao tốc Bắc – Nam giai đoạn I đang được triển khai, đến năm 2025 nước ta sẽ có gần 2.000 km đường cao tốc nối liền một dải từ Bắc vào Nam. Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết để thực hiện nhiệm vụ này, Chính phủ đã trình Quốc hội một số cơ chế, như chỉ định thầu tư vấn để rút ngắn thủ tục đầu tư các dự án khoảng 3-4 tháng. Ngoài đầu tư công, sẽ nghiên cứu, đề xuất huy động nguồn lực khác để phát triển cao tốc còn lại như vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP HCM, miền Đông Nam Bộ để đạt kế hoạch đề ra.
Trước đó, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội sẽ tăng 113.000 tỷ đồng cho lĩnh vực giao thông, Quốc hội cũng xác định sẽ bố trí cho ngành giao thông 304.000 tỷ đồng. Như vậy trong nhiệm kỳ này ngành giao thông được bố trí khoảng 420.000 tỷ đồng, mỗi năm sẽ phải giải ngân trung bình 80.000 tỷ đồng. Thừa nhận áp lực đối với Bộ sắp tới “là rất lớn”, song vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, Chính phủ sẽ dồn vốn vào cao tốc Bắc Nam là trục xương sống của cả nước, quyết tâm hoàn thành vào năm 2025 để có con đường đột phá, góp phần phát triển kinh tế.
Về quản lý chất lượng công trình, Bộ sẽ tăng cường cán bộ cho cục quản lý xây dựng, thanh tra vì phải kiểm tra chất lượng, tiến độ, chấn chỉnh các đơn vị từ ban đầu. Đối với từng dự án sẽ thuê chuyên gia có kinh nghiệm, như cầu Mỹ Thuận 2 đã có nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc; cho phép các ban thuê nhân lực trong và ngoài nước để giải quyết bài toán nhân lực chất lượng cao.
“Chúng tôi cũng đang huy động nhiều nhà thầu trong nước tham gia các dự án trọng điểm. Hiện nay có nhiều tập đoàn lớn như Sun Group, Vingroup đã có kinh nghiệm làm các dự án của họ, chúng tôi có thể xem xét giao họ tham gia thầu một số dự án. Chúng tôi xác định chất lượng là hàng đầu từ bài học xương máu là cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thời gian qua. Lần nào họp, tôi đều nêu dự án này, khi từ đơn vị dự án, nhà thầu, tư vấn giám sát đều bị truy tố, đây bài học cho các cán bộ không đốt cháy giai đoạn”, Bộ trưởng nói.
Hiện tại, đối với các dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn I đang triển khai thi công, Bộ Công an có ba đơn vị bám sát từ khâu lập dự án, đấu thầu đến thi công để đảm bảo chất lượng các công trình. Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ đồng hành với Bộ GTVT từng giai đoạn giống như công an. “Tôi khẳng định không có đơn vị nào dám làm ẩu, vì người làm ẩu là không ngủ được, cho dù dự án hoàn thành sau 10-15 năm vẫn phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng khẳng định.