Thời sự   •   Thứ ba, 03/08/2021, 15:04 PM

Để dự án 'đất vàng' bỏ hoang, nhiều sở ngành của Hà Nội phải chịu trách nhiệm

Do chậm xử lý kết luận thanh tra đối với dự án đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà "ôm đất" bỏ hoang sau nhiều năm, hàng loạt sở, ngành của Hà Nội phải chịu trách nhiệm.

Một dự án chậm triển khai trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Dự án 'đắp chiếu' chục năm, loạt sở ngành phải chịu trách nhiệm

HĐND TP. Hà Nội vừa có báo cáo kết quả tái giám sát của Thường trực HĐND TP về việc thực hiện kết luận giám sát của HĐND TP về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn TP.

Trong đó có dự án đầu tư xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm tại phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), do Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Sông Đà (Công ty Sông Đà) làm chủ đầu tư.

Theo báo cáo, dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2009 và được thay đổi năm 2013 với mục tiêu: xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng sinh thái thương mại và khu trưng bày sản phẩm. Trong đó, tiến độ thực hiện dự án sau điều chỉnh được quy định là: khởi công quý II/2013, hoàn thành quý I/2016.

Năm 2013, TP có quyết định cho Công ty Sông Đà thuê đất để thực hiện dự án. Năm 2014, nhà đầu tư được bàn giao đất trên thực địa và ký hợp đồng thuê đất với Sở TN&MT, thời gian thuê đất 50 năm.

Tuy nhiên, dự án không triển khai và bị liệt vào danh sách dự án chậm triển khai năm 2018 được UBND quận Nam Từ Liêm báo cáo đoàn giám sát của HĐND TP. Hiện trạng, dự án có tường bao quanh, chưa xây dựng công trình, chưa có kiến nghị cụ thể của quận Nam Từ Liêm hoặc đoàn giám sát.

Tháng 1/2019, Thanh tra Sở TN&MT Hà Nội đã có kết luận đối với dự án này. Trong đó, đề nghị nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ xem xét, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án gửi Sở KH&ĐT Hà Nội; hoàn thành thực hiện nghĩa vụ tài chính và sớm thực hiện dự án khi có quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư được UBND TP phê duyệt đưa vào khai thác, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả.

Đồng thời, các sở căn cứ chức năng nhiệm vụ xem xét, hướng dẫn chủ đầu tư về quy hoạch đầu tư, đất đai, xây dựng, tài chính của người sử dụng đất, báo cáo UBND TP xem xét, quyết định.

UBND quận Nam Từ Liêm đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện, trường hợp công ty không thực hiện thì báo cáo UBND TP xử lý theo quy định.

Cũng theo báo báo, hồi tháng 4/2021, đoàn giám sát HĐND TP.Hà Nội đã kiểm tra tại dự án và ghi nhận thấy dự án đã làm tường rào, quây tôn bao quanh, trên khu đất không có hoạt động đầu tư xây dựng hiện đang cho thuê sân bóng mini hoạt động trên một phần đất dự án.

Theo HĐND TP.Hà Nội, hồ sơ Sở TN&MT cung cấp cho đoàn giám sát chưa thể hiện nội dung UBND TP chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư. Còn theo báo cáo của Sở KH&ĐT, dự án vẫn chưa nộp hồ sơ theo yêu cầu nêu trong kết luận thanh tra Sở TN&MT năm 2019.

HĐND TP. Hà Nội cũng khẳng định, hồ sơ cung cấp cho đoàn giám sát không thể hiện việc thực hiện chức năng hướng dẫn, xem xét của các sở đối với nhà đầu tư liên quan đến quy hoạch, đầu tư đất đai, xây dựng, tài chính của người sử dụng đất, không thể hiện việc thực hiện chức năng đôn đốc, giám sát của UBND quận Nam Từ Liêm từ sau khi có kết luận thanh tra của Sở TN&MT.

Trong khi đó, báo cáo của Cục Thuế TP.Hà Nội đến tháng 3/2021 cho thấy, chủ đầu tư vẫn nợ tiền thuê đất là hơn 70 tỷ đồng, giao Chi Cục Thuế quận Thanh Xuân có văn bản đề nghị cưỡng chế.

Tháng 9/2020, Sở TN&MT Hà Nội có quyết định kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội sau thanh tra. Tuy nhiên, nhà đầu tư có văn bản xin lùi lịch kiểm tra sang năm 2021 do trùng với lịch thanh tra của đoàn thanh tra Bộ Xây dựng; đến tháng 4/2021 chưa có báo cáo lại của Sở TN&MT về việc thực hiện kết luận thanh tra.

Như vậy, nội dung kết luận thanh tra Sở TNMT Hà Nội chưa được triển khai, trong đó có lý do sở TN&MT và Sở KH&ĐT chậm đôn đốc nhà đầu tư thực hiện; tiến độ dự án không có chuyển biến sau gần 3 năm HĐND giám sát và hơn 2 năm sau kết luận Thanh tra của Sở. Trách nhiệm thuộc về nhà đầu tư, các sở: KH&ĐT, Quy hoạch và Kiến trúc, TN&MT, Xây dựng, Tài chính và UBND quận Nam Từ Liêm.

Do đó, Thường trực HĐND TP. Hà Nội đề nghị UBND TP chỉ đạo Sở TN&MT hậu kiểm tra thực hiện các kết luận thanh tra của sở, xem xét, có chế tài xử lý đối với việc không thực hiện kết luận thanh tra và tham mưu UBND TP các biện pháp xử lý đối với dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai theo đúng quy định.

Đồng thời, các sở, ngành liên quan và UBND quận Nam Từ Liêm nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với dự án chậm triển khai này.

Nhiều chủ đầu tư cố tình chây ì, sử dụng đất sai mục đích

Cũng theo Thường trực HĐND TP, đến tháng 5/2021, trên địa bàn TP Hà Nội có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Trong đó có, 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND TP năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.

Ngoài ra còn có nhóm 63 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt. Trong đó: 18 dự án cần thanh tra, kiểm tra để báo cáo UBND Thành phố chấm dứt dự án theo quy định; 31 dự án chậm, tạm dừng cần điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ chế thực hiện do vướng mắc giữa các Luật; 08 dự án chậm nhưng đề xuất tiếp tục triển khai và đề nghị đẩy nhanh tiến độ; 06 dự án Thành phố đã có chỉ đạo giao các sở chuyên ngành kiểm tra, thanh tra, chờ thực hiện theo kết luận.

Thường trực HĐND TP đánh giá, mặc dù UBND TP đã giao nhiệm vụ cho các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết các tồn tại, hạn chế trong xử lý vi phạm dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai nhưng kết quả đạt rất thấp. Tổng hợp danh mục các dự án vẫn chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai còn tồn tại vi phạm từ thời điểm trước giám sát năm 2018 và phát sinh thêm từ năm 2018 đến nay.

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là quy định pháp luật về quản lý đất đai, quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, chưa đồng bộ và chậm được tháo gỡ; một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù GPMB…

Thường trực HĐND TP cũng chỉ ra nhiều nguyên nhân chủ quan trong đó chính quyền các cấp, các sở ngành chưa triển khai quyết liệt, thường xuyên. Cùng với đó, các Sở TN&MT, KH&ĐT chưa kiên quyết, chưa kịp thời, chưa làm hết trách nhiệm trong xử lý vi phạm của các nhà đầu tư; việc quản lý, đôn đốc nhà đầu tư thực hiện dự án theo tiến độ đã được phê duyệt còn thiếu chủ động; việc hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh quy hoạch còn chậm và chưa quyết liệt.

Bên cạnh đó còn tình trạng nhiều chủ đầu tư dự án không chấp hành pháp luật đất đai, chấp hành chế độ báo cáo giám sát đầu tư, vẫn còn tình trạng cố ý sử dụng đất sai mục đích hoặc cố tình chây ỳ triển khai dự án chậm tiến độ...

Đình Phong

Dự án Hà Nội: Chăm xây nhà bán, 'quên' cây xanh, trường học

Tại hàng loạt dự án khu đô thị, chung cư cao tầng ở Hà Nội, chủ đầu tư chỉ chăm chăm xây nhà, bán căn hộ mà không làm hạ tầng thiết yếu, bắt buộc phải có trong quy hoạch như cây xanh, trường học.

Masteri Grand View định hình phong cách sống thời thượng chuẩn quốc tế

Thời sự   •   Thứ tư, 20/11/2024, 23:25 PM
TCDN - Masteri Grand View – phân khu cao tầng đầu tiên tại The Global City với thiết kế tinh tế và hệ tiện ích đẳng cấp không chỉ mang đến không gian sống hoàn hảo mà còn định hình phong cách sống thời thượng chuẩn quốc tế và mở ra cơ hội đầu tư bền vững tại trung tâm mới của TP.HCM.

Thanh Hóa: Chấp thuận chủ trương đầu tư khu công nghiệp hơn 1.000 tỷ đồng

Thời sự   •   Thứ tư, 20/11/2024, 23:24 PM
TCDN - Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp WHA Smart Technology - Thanh Hóa với tổng vốn đầu tư của dự án là 1.320 tỷ đồng, trong đó vốn góp của nhà đầu tư là 216 tỷ đồng.

Đà Nẵng đấu giá 12 khu đất "vàng", giá khởi điểm hơn 24 triệu/m2

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:16 PM
Ngày 25/6, UBND Tp.Đà Nẵng có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng (thuê đất) đối với 12 khu đất trên địa bàn thành phố.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều dự án bất động sản không phải để ở

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:15 PM
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định nhiều dự án dự án căn hộ, biệt thự du lịch, nghỉ dưỡng quảng cáo trên mạng xã hội thời gian qua chỉ có mục tiêu đầu tư phục vụ lưu trú du lịch và nghỉ dưỡng, không có tính chất để ở.

Khởi công VSIP Hà Tĩnh, vốn hơn 1.500 tỷ đồng

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:15 PM
Sáng nay (25/6), lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP Hà Tĩnh) chính thức diễn ra. Dự án giai đoạn 1 với quy mô 190,41ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.