Đà Nẵng duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô của tập đoàn Trung Thủy
Cụ thể, đã đưa 5 lối xuống biển ra khỏi ranh giới dự án để phục vụ cộng đồng; đưa ghềnh Nam Ô (3,05ha), bãi cát ra khỏi dự án; điều chỉnh vệt đất mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành thành công viên, bãi đỗ xe công cộng; mở rộng đường dân sinh hiện trạng (giữa khu dân cư và dự án) từ rộng 4m lên 5,5m, gồm mặt đường rộng 5m và vệt cây xanh rộng 0,5m.
Về các hạng mục của dự án Khu du lịch sinh thái Nam Ô, điều chỉnh đất biệt thự thành 153 lô đất shophouse (đất thương mại dịch vụ) có 4 tầng cao, chưa tính phần mái với tổng diện tích đất là 2,16ha (diện tích trung bình 130m2/lô đất); điều chỉnh diện tích các lô biệt thự nghỉ dưỡng và 5 lô đất lớn ở phía nam ghềnh Nam Ô để tăng số lô đất từ 106 lô lên 247 lô đất có 3 tầng cao, mật độ xây dựng từ 45-60%;
Điều chỉnh giảm diện tích xây dựng khối khách sạn từ 1ha xuống còn 0,77ha, tăng diện tích xây dựng căn hộ du lịch từ 0,49ha lên 0,88ha với mật độ xây dựng 40%, cao 33 tầng; giữ lại hồ hiện trạng với diện tích 4,6ha và bổ sung xây dựng tuyến đường xung quanh hồ và xây dựng nhà nổi trên hồ.
Trước đó, TP Đà Nẵng đã thông qua Đề án "Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô" có tổng kinh phí đầu tư khoảng 25,7 tỷ đồng nhằm mục tiêu khai thác lợi thế, tiềm năng du lịch địa phương, khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa, giới thiệu các tập quán, sản phẩm làng chài đến với du khách, hình thành khu vực để du khách khám phá, trải nghiệm khi đến với biển Đà Nẵng; tạo điều kiện cho cư dân địa phương tham gia làm du lịch…
Phạm vi nghiên cứu của đề án nằm trong khu vực vịnh Nam Ô và cộng đồng dân cư lân cận thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu với diện tích khoảng 115ha trong đó có dự án Khu du lịch Nam Ô của Công ty CP Trung Thủy nằm xen kẽ trong khu vực nghiên cứu dự án. Khu vực này có 4 lợi thế chủ yếu về thiên nhiên cảnh quan, câu chuyện di tích, làng nghề truyền thống, ẩm thực địa phương.
Theo đó, ngành du lịch thành phố sẽ có các giải pháp khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng tại Nam Ô như xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, hoạt động kinh doanh tại khu vực trong đó có công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng, hỗ trợ về chuyển đổi ngành nghề, về sản xuất kinh doanh sản phẩm lưu niệm, về vay vốn, đào tạo, quảng bá, bảo đảm vệ sinh môi trường, liên kết hợp tác để tạo nên sự phát triển đồng bộ, đa dạng dịch vụ…