Cơn "sốt" đất tại 5 huyện ngoại thành sắp lên quận ở Hà Nội vẫn chưa dịu bớt
Trong 10 năm gần đây, xu hướng sống theo phong cách Mỹ: ở ven đô, làm việc tại nội đô đang phát triển rất mạnh mẽ tại Hà Nội.
Trong đó, các khu vực ven đô được nhiều người dân lựa chọn nhiều nhất là: Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng (Hà Nội) và Văn Giang (Hưng Yên).
Chia sẻ về xu hướng sống này, ông Đỗ Thành Anh, một chuyên viên tư vấn BĐS cho biết: “Các huyện ngoại thành Hà Nội như: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Đông Anh hay Thanh Trì đều không quá xa so với khu vực trung tâm thành phố. Vì vậy, các huyện này được nhiều người lựa chọn hơn, so với các huyện xa hơn như: Phúc Thọ, Sơn Tây, Thường Tín, Sóc Sơn, Ba Vì,...”.
Xu hướng ở ven đô, làm việc tại nội đô đang phát triển rất mạnh mẽ tại Hà Nội. Trong ảnh là khu đô thị xanh Ecopark
Đặc biệt, với 5 huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm, Đông Anh và Thanh Trì đang trùng với thời điểm chuẩn bị được “nâng cấp” lên quận vào năm 2020 và năm 2015. Kết hợp 2 yếu tố trên đã khiến giá đất ở đây tăng lên "chóng mặt".
Cụ thể, đối với huyện Đông Anh, giá đất trong giai đoạn từ năm 2015 tới đầu năm 2020 đã tăng thêm 40%, một số khu vực gần các dự án bất động sản lớn tăng từ 50 - 60%. Hiện nay, mức giá đất ở đây dao động từ 20 - 170 triệu đồng/ m2, tùy thuộc vào vị trí.
Thông tin lên quận khiến giá đất các huyện ngoại thành Hà Nội "nóng" lên từng ngày
Khu vực “hot” nhất nằm ở các trục đường chính như: mặt đường Võ Nguyên Giáp, khoảng 150 - 170 triệu đồng/ m2, càng gần cầu Nhật Tân, mức giá càng cao.
Đối với các mảnh đất mặt ngõ, ô tô đi vào được dao động 50 - 80 triệu đồng/ m2, các khu đất ở mặt ngõ nhỏ rẻ hơn khá nhiều từ 20 - 25 triệu đồng/ m2.
Một số khu vực khác trong huyện như Hải Bối, Nam Hồng, Võng La, Vĩnh Ngọc,... dao động trong khoảng 20 triệu - 80 triệu đồng, phụ thuộc vào mặt đường hay mặt ngõ.
Đối với khu vực huyện Gia Lâm, giá nhà đất tại khu vực huyện Gia Lâm đã tăng bình quân từ 10 - 15%. Đặc biệt, ở những khu vực có các dự án lớn, giá nhà đất còn tăng khoảng 30% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Cụ thể, giá nhà đất bình quân của Gia Lâm dao động từ 15 - 60 triệu đồng, tùy từng khu vực và vị trí. Trong khi đó, vào năm 2015, giá đất bình quân của Gia Lâm chỉ từ 10 - 30 triệu đồng/ m2.
Khu vực “hot” nhất huyện Gia Lâm thuộc về một số trục đường chính, gần với một số dự án "siêu" đô thị cao cấp như: Đa Tốn, Kiêu Kỵ, Dương Xá, Đặng Xá hay Trâu Quỳ, giá đất nền đã lên mức 50 - 60 triệu đồng/ m2. Thậm chí, một số dự án bất động sản cao cấp còn rao bán tới 100 - 150 triệu đồng/ m2.
Đối với khu vực Đan Phượng, giá đất bình quân dao động từ 20 - 50 triệu đồng. Đối với các trục đường chính dọc theo Quốc lộ 32 có mức giá từ 40 - 70 triệu đồng/ m2. Đây cũng là khu vực có mức giá cao nhất trong huyện Đan Phượng.
Trong khi đó, giá đất ở tại 2 huyện Hoài Đức và Thanh Trì không có nhiều biến động trong năm 2019. Ngay cả khi Hà Nội có quyết định đưa Hoài Đức lên quận vào năm 2020 và Thanh Trì lên quận vào năm 2025, giá đất ở tương đối ổn định, tăng bình quân dưới 3 - 10% ở các trục đường lớn.
Cụ thể, giá đất ở bình quân tại khu vực Thanh Trì dao động từ 15 - 70 triệu đồng/ m2, tùy từng vị trí. Trong đó, khu vực “hot” nhất Thanh Trì là mặt đường khu vực Ngọc Hồi - Văn Điển, mức giá dao động từ 50 - 80,5 triệu đồng/ m2.
Một số khu vực khác như Tả Thanh Oai từ 15 - 45 triệu đồng/ m2; Cầu Bươu từ 20 - 50 triệu đồng/ m2; Cổ Điển A dao động từ 45 - 60 triệu đồng/ m2;...
Cuối cùng là Hoài Đức. So với 3 huyện còn lại, Hoài Đức là huyện đầu tiên đủ tiêu chuẩn để lên quận vào năm 2020. Chính vì lý do đó, giá đất ở tại Hoài Đức đã ổn định hơn, mức tăng ở Hoài Đức trong năm 2019 khoảng 3 - 5% so với năm 2018.
Cụ thể, giá đất ở bình quân tại Hoài Đức dao động 20 - 100 triệu đồng. Khu vực được nhiều nhà đầu tư lựa chọn nằm là ven Quốc lộ 32 hoặc khu vực trung tâm thị trấn Trôi, mức giá dao động từ 40 - 100 triệu đồng/m2 đối với mặt đường, 20 - 50 triệu đồng đối với mặt ngõ.
Bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn Savills Hà Nội cho rằng, việc “nâng cấp” 5 huyện lên quận là tín hiệu đáng mừng cho thị trường BĐS.
Theo bà Hằng, cả 5 huyện được lên quận trong thời gian tới đều đã có quy hoạch phát triển khá cụ thể.
Ví dụ, huyện Đông Anh, Đan Phượng được định hướng trở thành quận với điểm nhấn là các đô thị thông minh, khu công viên phần mềm, trung tâm mua sắm cao cấp, các khu vui chơi giải trí, khu dịch vụ cao cấp về chăm sóc sức khỏe, trung tâm sáng tạo phục vụ cho nghiên cứu và phát triển.
Đối với các huyện Thanh Trì, Gia Lâm được định hướng phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng mạnh thương mại dịch vụ.
Tuy nhiên, trong quá trình lên quận, giá đất tại các huyện này sẽ có biến động rất lớn, nhiều khả năng chỉ mang tính nhất thời. Nếu người dân mua đất để ở thì không có nhiều rủi ro, tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường, nếu muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư ngắn hạn cần hết sức cẩn trọng với các cơn sốt đất và rủi ro thanh khoản của khoản đầu tư của mình.
Bà Hằng cho rằng, nếu nhà đầu tư tham gia thị trường từ trung đến dài hạn sẽ an toàn hơn đầu tư "lướt sóng".
“Khi đầu tư trung đến dài hạn ở 5 khu vực này, mức lợi nhuận trung bình có thể không quá lớn, nhưng nếu lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng, thì đây là một khoản đầu tư hợp lý”, bà Hằng nói.