Thời sự   •   Thứ tư, 26/02/2020, 08:45 AM

Cơn sốt đất Bà Rịa - Vũng Tàu: Những bài học đắt giá

Trong cơn say đất nền, những đại gia, nhà đầu cơ lớn đã từ từ rút lui một cách an toàn thì các nhà đầu tư nhỏ lẻ lại lao vào do thiếu thông tin.

Cơn sốt đất nền thường đến nhanh đi chóng vánh

Chỉ chưa đến 1 tuần, giá nhà đất khu vực Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng nóng cục bộ, gây ra cơn sốt đất chưa từng có rồi nhanh chóng nguội lạnh.

Những bài học kinh nghiệm

Nhận xét về cơn sốt đất diễn ra chóng vánh, ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng bản chất mọi hiện tượng sốt đất đều bắt nguồn từ các thông tin về quy hoạch, đầu tư hạ tầng của các địa phương.

Ông Đính dẫn chứng như trường hợp sốt đất ở Hoà Liên (Đà Nẵng) xuất phát từ thông tin quy hoạch một số hạ tầng giao thông và Chính phủ đồng ý chủ trương xây dựng cảng Liên Chiểu.

Bài học về trường hợp sốt đất như tại Hà Nội trước đây cho thấy khi có thông tin quy hoạch một đại lộ từ Hà Nội lên Ba Vì (có tên là Đại lộ Thăng Long) và phát triển một khu hành chính tại Ba Vì đã làm xuất hiện một cơn sốt đất trong suốt một thời gian dài, gây hậu quả lớn cho các nhà đầu tư đến tận bây giờ.

Hoặc tại Phú Quốc, Bắc Vân Phong, Vân Đồn, thông tin Quốc hội sẽ thông qua Luật Đặc khu đã đẩy giá đất tại các khu vực này lên gấp nhiều lần khiến Chính phủ phải vào cuộc.

Hay như đất nền Thanh Hóa gây hiện tượng sốt trong thời gian vừa qua cũng cho thấy một thực trạng vẽ viễn cảnh tươi đẹp của thành phố mở rộng và khu vực phía đông của thành phố. Đến nay, la liệt nhà đầu tư đất nền bị mắc kẹt muốn bán đi cũng không được. Có những dự án đã bị thu hồi và không có khả năng triển khai tiếp.

"Cũng giống như các địa phương trên, cơn sốt đất ở Bình Ba xuất phát từ thông tin Tập đoàn Vingroup gửi đề xuất thực hiện hai dự án tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với tổng diện tích 802,2 ha khiến giá đất nơi đây tăng theo cấp số nhân từng ngày" - ông Đính cho biết.

Nhận định về thực trạng sốt đất trên thị trường bất động sản, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam thừa nhận nhiều sàn giao dịch bất động sản không chuyên, làm ăn chộp giật, thiếu uy tín, đã đưa ra các thông tin sai lệch về quy hoạch, tạo hiện tượng tranh mua, tranh bán, hết hàng, cháy hàng ảo.

Đặc biệt, ông Đính cho rằng hiện nay, việc sốt đất ảo là do các nhà môi giới không chuyên, các nhà đầu cơ thao túng thị trường phần lớn đều diễn ra tại các địa phương thiếu sự quản lý của các cơ quan nhà nước.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Cuốn theo cơn sốt đất với lợi nhuận bị đẩy lên cao, nhiều nhà đầu tư đã bất chấp những rủi ro. Tuy nhiên, những cơn sốt đất nền này chủ yếu do các nhà đầu cơ mua đi bán lại với nhau, người mua ở thực rất ít.

Ông Trần Khánh Quang - chuyên gia bất động sản cho rằng các nhà đầu tư đang mua trên giá trị lợi nhuận, mua theo tin đồn, không mua trên giá trị thật bất động sản. Diễn biến giá đất tăng nóng, tích tụ lâu ngày sẽ tác động cực xấu lên thị trường và nền kinh tế.

Thứ nhất, người có nhu cầu thực về bất động sản rất khó tìm được một căn nhà hay miếng đất có giá trị phù hợp. Thứ hai, các doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất sẽ gặp khó khăn về đền bù, giải phóng mặt bằng.

Thứ ba, đối với ngân hàng, khi sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp việc định giá càng khó khăn, chưa kể nguồn lực dồn vào bất động sản quá nhiều tiềm ẩn nguy hại cho nền kinh tế.

Thứ tư, giới đầu tư, đầu cơ đất thường sử dụng đòn bẩy tài chính bằng việc vay vốn ngân hàng. Khi cơn sốt đi qua, vỡ bong bóng bất động sản, ngân hàng sẽ đối mặt với rất nhiều khoản nợ xấu có thể mất rất nhiều năm để xử lý.

Để dập tắt cơn sốt đất nền, một số địa phương đã lên tiếng cảnh báo và tập trung rà soát, ngăn chặn phân lô bán nền trên đất nông nghiệp, đất rừng trái phép nhưng những cảnh báo hiện nay chỉ mang tính chất hành chính, chung chung, chưa đi vào chi tiết kiểm soát như thế nào.

Ông Đính kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp chính quyền, xã phường, quận huyện tại địa phương và các cơ quan chức năng như Sở Xây dựng phải nâng cao trách nhiệm hơn trong hoạt động quản lý thị trường, thường xuyên giám sát kiểm tra việc phát triển các dự án bất động sản, hoạt động của các sàn giao dịch.

"Các địa phương quản lý được các vấn đề này chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều các nhà đầu tư, môi giới tung tin không đúng về thị trường bất động sản, gây sốt ảo để lừa dối khách hàng, gây rủi ro cho người tiêu dùng", ông Đính nhấn mạnh.


Theo VietnamFinance

Đà Nẵng đấu giá 12 khu đất "vàng", giá khởi điểm hơn 24 triệu/m2

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:16 PM
Ngày 25/6, UBND Tp.Đà Nẵng có quyết định phê duyệt giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng (thuê đất) đối với 12 khu đất trên địa bàn thành phố.

Bà Rịa - Vũng Tàu: Nhiều dự án bất động sản không phải để ở

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:15 PM
Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định nhiều dự án dự án căn hộ, biệt thự du lịch, nghỉ dưỡng quảng cáo trên mạng xã hội thời gian qua chỉ có mục tiêu đầu tư phục vụ lưu trú du lịch và nghỉ dưỡng, không có tính chất để ở.

Khởi công VSIP Hà Tĩnh, vốn hơn 1.500 tỷ đồng

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:15 PM
Sáng nay (25/6), lễ khởi công Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp Bắc Thạch Hà (VSIP Hà Tĩnh) chính thức diễn ra. Dự án giai đoạn 1 với quy mô 190,41ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.555 tỷ đồng tại huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Thừa Thiên Huế: Tìm chủ đầu tư cho dự án nhà ở xã hội 1.430 tỷ đồng

Thời sự   •   Thứ sáu, 05/07/2024, 13:15 PM
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế đã công bố danh mục dự án nhà ở xã hội tại xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề

Thời sự   •   Thứ sáu, 07/06/2024, 10:08 AM
Theo Hội Môi giới Bất động sản (BĐS) Việt Nam (VARS), trong số hơn 300.000 môi giới đang hành nghề trong lĩnh vực BĐS chỉ có khoảng 40.000 môi giới được cơ quan chức năng cấp chứng chỉ hành nghề. Còn lại một lượng lớn môi giới BĐS mặc dù đã được đào tạo bài bản, nhưng vẫn không được cấp chứng chỉ hành nghề.