Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước dự án đường vành đai 3 TP. HCM
Theo Quyết định này, Chủ tịch Hội đồng là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các ủy viên của Hội đồng, gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Giao thông vận tải, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Công an, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Ngoài ra, Hội đồng được sử dụng con dấu và tài khoản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ cho hoạt động của Hội đồng.
Hội đồng tự giải thể sau khi kết thúc nhiệm vụ. Ủy ban nhân dân TP. HCM có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đảm bảo yêu cầu tiến độ.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính sau cuộc họp mới đây về dự án vành đai 3 và 4 TP. HCM. Thủ tướng kết luận hai tuyến này vai trò quan trọng kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, song dự án đi qua đô thị, tổng mức đầu tư rất lớn nên đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) khó khả thi, nhất là vành đai 3.
UBND TP. HCM hiện được giao là cơ quan chuẩn bị đầu tư vành đai 3, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Thành phố cần khẩn trương hoàn thiện dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này vào tháng 2/2022 để trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 5 năm nay.
Dự án đường Vành đai 3 dài gần 92 km, chạy qua 4 địa phương gồm TP. HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, chia làm 4 đoạn lớn gồm: Tân Vạn - Bình Chuẩn, Tân Vạn - Nhơn Trạch, Bình Chuẩn - quốc lộ 22, quốc lộ 22 - Bến Lức.
Tuyến đường khi hoàn thiện có 8 làn cao tốc cùng đường song hành hai bên. Giai đoạn một, vành đai 3 được nghiên cứu đầu tư dài hơn 76 km, do tạm thời không tính đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn, dài 15 km đi qua Bình Dương đã làm 6 làn xe. Toàn bộ phần còn lại trong giai đoạn một sẽ làm 4 làn cao tốc và đường song hành hai bên. Trong đó bao gồm cả dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn - Nhơn Trạch, dài khoảng 8 km đang đầu tư sẽ được bổ sung các hạng mục để đảm bảo đồng bộ với toàn tuyến.
Sở Giao thông vận tải TP. HCM dự tính thời gian chuẩn bị đầu tư tuyến đường này thực hiện từ nay đến năm 2023. Giai đoạn 2023-2024, các địa phương sẽ xong giải phóng mặt bằng và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Trước Tết Nguyên đán, TP.HCM đã hoàn thiện hồ sơ và gửi Thủ tướng tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án này. Ở giai đoạn 1, phạm vi dự án dài hơn 76km, thực hiện 4 làn xe cao tốc, đường song hành hai bên quy mô tối thiểu 2 làn xe. Dự án giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch để giữ đất nhằm tạo thuận lợi khi đầu tư giai đoạn 2 lên 8 làn xe.
Tuyến đường có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 75.777 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư 41.872 tỷ đồng. Về phương án vốn đầu tư, ngân sách trung ương hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư các dự án thành phần ở TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và 100% tổng mức đầu tư dự án thành phần ở Long An.
Về tiến độ, từ năm 2022-2023 chuẩn bị, thực hiện đầu tư; quý 4/2023 khởi công dự án; năm 2025 thi công cơ bản hoàn thành, thông xe toàn tuyến và năm 2026 hoàn thiện tuyến đường.