3 nhà đầu tư cạnh tranh dự án do Vincom Retail lập quy hoạch là ai?
Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng tổ hợp khu dịch vụ thương mại và nhà phố trên địa bàn thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm (tổ hợp khu dịch vụ thương mại và nhà phố thị trấn Như Quỳnh).
Theo đó, có 3 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilama – Công ty Cổ phần Tập đoàn Bách Việt, Công ty TNHH Phương Anh, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền.
Được biết, dự án tổ hợp khu dịch vụ thương mại và nhà phố thị trấn Như Quỳnh được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên công bố danh mục dự án có sử dụng đất cần tìm nhà đầu tư vào tháng trước.
Dự án có diện tích khoảng 3,6ha, dân số dự kiến khoảng 600 người. Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng, gồm khoảng 30.289m2 đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, khoảng 5.693m2 đất công ích do UBND thị trấn Như Quỳnh quản lý. Phần đất công do UBND thị trấn Như Quỳnh quản lý một phần nằm xen kẽ với đất của hộ gia đình cá nhân.
Dự kiến khi hoàn thành, dự án sẽ cung cấp ra thị trường 136 căn nhà ở thương mại (diện tích 75 – 182,82 m2, cao tối đa 5 tầng) và khu dịch vụ thương mại cao tối đa 5 tầng, diện tích xây dựng gần 3.428 m2.
Thời hạn hoạt động của dự án 50 năm, kể từ ngày nhà đầu tư được cấp văn bản chấp thuận. Thời gian hoàn thành dự án là 36 tháng kể từ ngày lựa chọn nhà đầu tư.
Đáng chú ý, dự án này do Công ty Cổ phần Vincom Retail lập quy hoạch. Vincom Reatail cũng từng là chủ đầu tư lập quy hoạch tổ hợp trung tâm thương mại và nhà phố trên địa bàn phường Hiến Nam, thành phố Hưng Yên.
Về nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án, trước hết là liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Lilama – Công ty Cổ phần Tập đoàn Bách Việt (Lilama Invest – BV Group). Lilama Invest trước đây là doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (UPCoM: LLM), được thành lập vào năm 2003. Tuy nhiên, đến năm 2016, Lilama Invest đã được kết nạp vào BV Group.
Người đại diện theo pháp luật của Lilama Invest là tổng giám đốc Nguyễn Tân Thành. Năm 2018, Lilama Invest đã tăng vốn điều lệ từ 160 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng.
Các cổ đông từng có của Lilama Invest là: Công ty TNHH Kiến trúc sư Hồ Thiệu Thị và cộng sự, Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương và Tổng công ty lắp máy Việt Nam. Tuy nhiên, các cổ đông khác đều đã thoái vốn, còn Tổng công ty lắp máy Việt Nam đã giảm tỷ lệ sở hữu xuống 27,72%.
Còn BV Group vốn là cái tên quen thuộc trên thị trường bất động sản với nhiều dự án, có thể kể đến như: tổ hợp căn hộ cao cấp Rivera Park (Hà Nội), tổ hợp chung cư New Horizon 87 Lĩnh Nam (Hà Nội), khu đô thị Bách Việt Lake Garden (Bắc Giang), chung cư Areca Garden (Bắc Giang)...
Năm 2018, BV Group đã tăng vốn điều lệ từ 500 tỷ đồng lên 950 tỷ đồng. Người đại diện theo pháp luật của BV Group hiện nay là tổng giám đốc Tạ Hoài Hạnh
Được biết, Lilama Invest và BV Group hiện đang là nhà đầu tư và phát triển dự án BV Diamond Hill – Tháp đôi Bách Việt tại đường Hoàng Quốc Việt, thành phố Bắc Giang. Dự án này được xây dựng trên khu đất rộng 1,5ha, gồm 2 tòa tháp chung cư và 3 block shophouse. Dự án sẽ cung cấp ra thị trường 358 căn hộ, 6 căn duplex, 27 shophouse thấp tầng và 17 shophuse khối đề. Dự kiến quý III/2022, dự án này sẽ được bàn giao.
Phối cảnh dự án BV Diamond Hill – Tháp đôi Bách Việt
Tiếp theo là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Phú Điền (Phú Điền) vốn là nhà đầu tư chuyên về lĩnh vực xử lý nước thải với hơn 20 dự án, điển hình như: nhà máy xử lý nước thải Tham Lương – Bến Cát, nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây, hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải Từ Sơn – Bắc Ninh...
Mô hình nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát của Phú Điền
Trước đó, hồi tháng 6 năm nay, trong danh sách 82 dự án xây dựng – chuyển giao (BT) bị dừng triển khai của Hà Nội, có tới 4 dự án của Phú Điền. Trong đó, đáng chú ý nhất là dự án xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực sông Cầu Bây và nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, quận Long Biên, có quy mô 40.000 – 50.000m3/ngày đêm. Tổng vốn đầu tư dự án này lên đến 2.254 tỷ đồng với quỹ đất đối ứng hơn 13ha trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Theo tìm hiểu, Phú Điền được thành lập vào ngày 16/12/2002, có địa chỉ tại số 31 Tân Canh, phường 1, quận Tân Bình, TP. HCM. Người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc Lê Thanh và phó giám đốc Trần Mạnh Hùng. Vào năm 2017, vốn điều lệ của Phú Điền đã tăng mạnh từ 900 tỷ đồng lên 1.500 tỷ đồng.
Ngoài ra, ông Trần Mạnh Hùng còn là người đại diện theo pháp luật kiêm chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Đầu tư Yên Bài Resort. Công ty này được thành lập vào ngày 17/7/2020, có địa chỉ tại tầng 19, tòa nhà Ocean Park, số 01 Đào Duy Anh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội. Vốn điều lệ của công ty là 350 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: Hoàng Thị Kim Huệ (30%), Trần Mạnh Hùng (40%), Đặng Ngọc Thông (30%).
Cuối cùng là Công ty TNHH Phương Anh, doanh nghiệp này được thành lập vào ngày 26/11/2003, có địa chỉ tại tòa nhà Như Quỳnh Center, nhà số 1, đường 1, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Người đại diện theo pháp luật là tổng giám đốc Nguyễn Gia Minh.
Cơ cấu cổ đông bao gồm: Lưu Thị Bích Ngọc (60%), Lê Mạnh Cường (1%), Cam Văn Tộ (2%), Đỗ Thị Phương Thủy (37%). Sau đó, các cổ đông Lưu Thị Bích Ngọc, Lê Mạnh Cường, Cam Văn Tộ đều thoái vốn. Cổ đông Đỗ Thị Phương Thủy còn nắm 1,8% và có sự xuất hiện của cổ đông mới là Đỗ Việt Thắng nắm đa số cổ phần (98,2%).
Tháng 8/2014, Công ty TNHH Phương Anh đã tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng. Sau đó, tháng 6 năm nay, công ty tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng.