Sau 12 năm 'đắp chiếu', đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được tái thi công
Dự án này được khởi công từ năm 2009 bằng vốn nhà nước, nhưng đến năm 2011 phải tạm dừng do kinh tế khó khăn. Đến năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt điều chỉnh dự án với quy mô 2 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến năm 2018, sau khi có chủ trương làm cao tốc quy mô 4 làn xe thì tổng mức đầu tư tăng lên khoảng 7.000 tỷ đồng khiến dự án không thể thực hiện do không khả thi về tài chính.
Dự án đi qua địa phận các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Long An nhằm kết nối các tỉnh thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Tây Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu giao thông và an sinh xã hội khu vực có dự án đi qua.
Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 72,75km (điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương; điểm cuối giao với Quốc lộ N2 - nay là đường Hồ Chí Minh, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An), với tổng mức đầu tư khoảng 2.293 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Tại dự án này, Tập đoàn Đèo Cả là nhà thầu thực hiện gói XL1 - thi công xây dựng đoạn Km10+000 – Km41+150 (bao gồm cầu Kênh Phước Hòa, cầu Cây Trường, cầu Bà Tứ, cầu Thị Tính, cầu Suối Tre, cầu Thanh An). Gói thầu có giá trị xây lắp hơn 681 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng là 730 ngày.
Dọc tuyến có 14 công trình cầu, trong đó 3 cầu xây dựng mới và 11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện. Thời gian đã trải qua gần 12 năm từ khi dự án bắt đầu triển khai, công trình chịu nhiều tác động từ thời tiết và các yếu tố khác… Do đó, Đèo Cả kiến nghị chủ đầu tư kiểm định, đánh giá chất lượng trước khi bàn giao cho nhà thầu.
Bên cạnh đó, qua khảo sát của nhà thầu, các mỏ vật liệu tại địa phương không đáp ứng trữ lượng như thiết kế, báo giá không phù hợp với công bố giá do cơ quan nhà nước ban hành. Nhà thầu kiến nghị chủ đầu tư, các địa phương có dự án đi qua cùng tham gia khảo sát, đánh giá lại nguồn cung vật liệu và công bố kịp thời chỉ số giá.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, các đơn vị tư vấn, nhà thầu với trách nhiệm cao nhất, phát huy tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, khẩn trương xây dựng kế hoạch cụ thể, phương án tổ chức thi công phù hợp, huy động đủ nhân lực, thiết bị máy móc để tập trung triển khai thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn về vệ sinh môi trường; tuyệt đối tuân thủ các quy định pháp luật, chỉ dẫn kỹ thuật để dự án hoàn thành đúng thời hạn.
Thứ trưởng cũng đề nghị các địa phương có dự án đi qua tiếp tục quan tâm chỉ đạo sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, di dời các công trình kỹ thuật, quan tâm chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để Ban Quản lý dự án và các đơn vị thi công trong quá trình triển khai xây dựng công trình.
Theo phê duyệt dự án, đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa được đầu tư sẽ góp phần khép kín đường Hồ Chí Minh từ Pắc Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) theo nghị quyết của Quốc hội.